Câu chuyện hôm nay: Chương trình OCOP TP. Hà Nội - Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương

Với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, liên kết và ký kết các biên bản ghi nhớ với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa.

Giai đoạn 2018 - 2019, Hà Nội đã triển khai hợp tác toàn diện với hơn 50 tỉnh, thành phố. Hà Nội và các địa phương đã tổ chức 24 hoạt động giao thương kết nối sản phẩm trái cây, nông sản thực phẩm, hoa các loại...; 19 tuần lễ trái cây, nông sản các địa phương tại Hà Nội, hơn 350 sản phẩm mới được các doanh nghiệp Hà Nội kết nối, tiêu thụ. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm thương mại và Trang thông tin nông sản an toàn thành phố Hà Nội.

Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tạo nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, cùng với tinh thần “Hà Nội với cả nước, cả nước với Hà Nội”, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn TP. Hà Nội quan tâm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, góp phần đưa sản phẩm OCOP của Thủ đô ngày càng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước.

Các sản phẩm tập trung vào nhóm ngành hàng nông sản, đặc sản vùng miền, thực phẩm chế biến, sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; có đầy đủ bao bì, nhãn mác… đặc biệt có nhiều sản phẩm OCOP đạt 4 đến 5 sao được cấp mã QRcode để truy xuất nguồn gốc, có tiềm năng xuất khẩu.

Để mở rộng thị trường, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cao năng suất chất lượng để được công nhận OCOP. Các doanh nghiệp đều kỳ vọng được hỗ trợ đẩy mạnh truyền thông để người tiêu dùng hiểu và lựa chọn các sản phẩm OCOP; đồng thời tổ chức các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh giao thương... 

Đặc biệt, các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ tại các siêu thị bán lẻ là giải pháp thực hiện mục tiêu kép - đưa sản phẩm OCOP ra thị trường nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người sản xuất và giúp người tiêu dùng tiếp cận với những sản phẩm chất lượng cao. Có thể nói, hoạt động xúc tiến thương mại đã mang lại hiệu quả, góp phần đưa sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn và trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng quan tâm, giúp người sản xuất chuẩn hoá  quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Diệu Huyền