Cao Bằng: Sau sáp nhập huyện, thu ngân sách từ gần 1 tỷ đồng còn 600 triệu đồng

Rõ ràng đang tồn tại nhiều vấn đề sau sáp nhập tại các địa phương. Tại tỉnh miền núi, địa hình và khoảng cách địa lý đang trở thành một trong những rào cản phát triển kinh tế sau sáp nhập. Thực tế này ra sao, mời quý vị tiếp tục theo dõi qua ghi nhận sau.

Đây là một trong số ít HTX nông nghiệp còn duy trì hoạt động trên địa bàn thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Sau sáp nhập huyện, các công sở, cơ quan cùng nhiều doanh nghiệp di chuyển sang trung tâm huyện mới khiến cho hoạt động sản xuất ở đây giảm sút. 

Anh ĐINH VĂN ĐÔNG - Thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng: Vấn đề buôn bán giao thương cũng khó khăn như phải tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp khó. Sáp nhập huyện quãng đường đi lại khá xa, không có tuyến xe từ đây sang huyện nên làm thủ tục pháp lý đi lại cũng khó”.

Vốn dĩ Thông Nông là địa phương nghèo của tỉnh Cao Bằng, nay phát triển kinh tế lại càng khó khăn hơn, nhất là đảm bảo thu nhập cho người dân. Năm 2022, thị trấn được giao thu ngân sách hơn 600 triệu, tuy nhiên với thực tế hiện nay, để đạt con số này cũng không đơn giản.

Ông NÔNG VĂN THƠ - Bí thư Đảng ủy thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng: Thu ngân sách của đơn vị từ chỗ trước gần 1 tỷ đồng, 2 năm nay giảm còn khoảng 600 triệu/năm. Sau sáp nhập tác động nhiều như vậy thì có thể đầu tư thêm nguồn vốn, mở tuyến giao thông, chợ để tập trung cho buôn bán giao thương với các đơn vị khác”

Cùng cảnh tương tự, người dân xóm Lạn Dưới, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa cũng gặp nhiều khó khăn trong giao thương do đường đi lại không thuận lợi.

Chị NÔNG THỊ CHI - Xóm Lạn Dưới, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng: Bây giờ kinh tế khó khăn, xăng cao, đường đi lại khó chồng chất lên bà con, không biết làm thế nào được. Giá bán ra thấp, thu vào thì giá cao. Giá vào thu heo, trâu bò thì thấp, kể cả bán ít hơn vài giá họ cũng không vào lấy do đường đi lại khó quá.”

Ông VI VĂN MẠ - Xóm Lạn Dưới, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng: Đường cách trung tâm 12km, đi lại khó quá. Như các cháu đi học cũng xa. Con đường đi xấu mang con lợn, con gà, cái ngô đi bán vất vả lắm”.

Rõ ràng, sau sáp nhập, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông nhằm hỗ trợ cho phát triển kinh tế chưa thực hiện rốt ráo khiến người dân băn khoăn về lợi ích của sáp nhập. Chủ trương sáp nhập để tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí để đầu tư cho phát triển hạ tầng cần được thực hiện bài bản và rốt ráo hơn nữa trong thời gian tới.

Việt Hà