Căng thẳng Nga - Ukraine liên quan đến vấn đề "bom bẩn"

“Bom bẩn” – vũ khí thông thường trộn với vật liệu hạt nhân - đang trở thành cụm từ được cả phía Nga và Ukraine liên tục nhắc đến trong những ngày qua. Không chỉ cáo buộc lẫn nhau về ý định sử dụng loại vũ khí này, căng thẳng Nga – Ukraine còn có thể gia tăng hơn nữa, khi vấn đề này được đệ trình lên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Ngày 23/10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bất ngờ điện đàm với những người đồng cấp ở các quốc gia thành viên NATO, bao gồm Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, ông Shoigu bày tỏ quan ngại Ukraine có thể đang chuẩn bị sử dụng “bom bẩn”. Mặc dù không đưa ra bằng chứng cụ thể, phía Nga cảnh báo nếu điều này xảy ra, tình hình tại Ukraine sẽ "xấu đi nhanh chóng".

Không có sức hủy diệt lớn như vũ khí hạt nhân, nhưng “bom bẩn” rất dễ chế tạo, đặc biệt là với những nước sở hữu vật liệu hạt nhân.

CÁO BUỘC LẪN NHAU

Phản ứng sau cáo buộc của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng khẳng định, nếu như có ai đó sử dụng vũ khí hạt nhân tại khu vực châu Âu, thì người đó chỉ có thể là Nga.

Tuyên bố này của nhà lãnh đạo Ukraine ngay lập tức nhận lại phản hồi từ Nga, cho rằng Ukraine đang có ý định sử dụng bom bẩn để ngụy tạo một vụ nổ do Nga thực hiện.

Ông IGOR KIRILLOV, Chỉ huy Lực lượng phòng vệ phóng xạ, hóa học và sinh học Nga: “Theo thông tin chúng tôi có được, hai tổ chức của Ukraine đang được giao nhiệm vụ chế tạo bom bẩn và đã bước vào giai đoạn cuối cùng… Ukraine muốn khiến cho người dân địa phương khiếp sợ và cáo buộc Nga tiến hành khủng bố hạt nhân.”

Trong khi Nga đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp khẩn để thảo luận về vấn đề này, thì phía Mỹ cũng đưa ra những cảnh báo rõ ràng.

Ông NED PRICE, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ: “Chúng tôi đã cảnh báo rõ ràng với thế giới và với Nga về những hậu quả nghiêm trọng khi sử dụng vũ khí hạt nhân. Sẽ có những hậu quả đối với Nga, cho dù nước này sử dụng bom bẩn hay bom hạt nhân.”

Vấn đề “bom bẩn” tiếp tục khiến cho tranh cãi giữa Nga và phương Tây, liên quan đến tình hình Ukraine thêm căng thẳng, nhất là khi “vũ khí hạt nhân” luôn được coi là điểm nóng nhạy cảm.

Kim Ngọc