Cần hành lang pháp lý bảo vệ dữ liệu cá nhân

Để chuẩn bị nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các phiên họp tới, sáng nay tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã dự, chỉ đạo Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp và pháp luật về quyền bảo vệ bí mật cá nhân, quyền con người, quyền công dân, an ninh mạng. Hiện nay, tình trạng lộ lọt, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, công khai . Chỉ trong 2 năm từ 2019 đến 2020, Bộ Công an đã phát hiện hàng trăm cá nhân, tổ chức liên quan. Số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới gần 1.300GB. Pháp luật đã có 1 số quy định về chế tài xử phạt với hành vi vi phạm bảo vệ thông tin cá nhân, nhưng lại chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định này; cho rằng, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung về quyền, chế tài, chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ các loại thông tin cá nhân và chưa có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, trong khi nhu cầu bảo vệ Dữ liệu cá nhân là cấp thiết, trong điều kiện chưa thể xây dựng thành Luật, việc ban hành Nghị định là phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc ban hành 1 văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh đầy đủ, hoàn chỉnh, thống nhất về Bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết; đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề khó, mới, nhiều nội dung chưa được thực tế kiểm nghiệm, cần tiến hành thẩm tra chặt chẽ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh xem xét dự thảo Nghị định có vấn đề vượt thẩm quyền hay không; lưu ý, theo quy định của Hiến pháp năm 2013: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. do vậy cần nghiên cứu việc áp dụng Hiến pháp và Luật cho phù hợp. Ủy ban sớm hoàn thiện Báo cáo thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Khắc Phục