Cần đánh giá tác động đa chiều khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt

Tạm hoãn việc sửa đổi luật thuế tiêu thụ đặc biệt từ nay đến năm 2025 để giúp doanh nghiệp phục hồi; Không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường, thức uống đại mạch hay nước giải khát không cồn.

Đó là những kiến nghị tại buổi Góp ý về xây dựng dự án thuế tiêu thụ đặc biệt do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội rượu, bia, nước giải khát Việt Nam vừa tổ chức tại Đà Nẵng. 

Là đơn vị sản xuất bia với sản lượng lớn, công suất dây chuyền lon đạt 90.000 lon/ giờ, dây chuyền chai đạt 50.000 chai/ giờ, nhà máy bia Heineken Việt Nam tại Đà Nẵng có nhiều sản phẩm bia không độ, là một trong ba đối tượng mà Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên theo đại diện doanh nghiệp, cần tính toán cụ thể khi đây là sản phẩm được khuyến khích sản xuất tại luật phòng chống tác hại rượu bia với mục đích giảm lượng tiêu thụ sản phẩm có cồn.

Tại Hội thảo góp ý về đề nghị xây dựng luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi vừa diễn ra tại Đà Nẵng, một sản phẩm khác được nhiều đại biểu cho ý kiến là đồ uống có đường. Nhiều ý kiến cho rằng loại đồ uống này không liên quan bệnh thừa cân béo phì, kiến nghị không đưa vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tuy nhiên cũng có ý kiến trái chiều.

Trước đề xuất của ngành đồ uống khi xem xét chưa sửa đổi Luật thuế TTĐB trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và phục hồi sau đại dịch, không bổ sung mặt hàng đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB, có ý kiến lại cho rằng cần phải đánh giá tác động đa chiều, từ góc độ của doanh nghiệp cơ quan quản lý nhà nước và người dân.

Dự kiến, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV vào tháng 5/2024.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Nguyễn Hùng