Cải cách tư pháp: Cần phải loại bỏ lợi ích ngành

Sáng 09/01, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch nước nhấn mạnh những kết quả quan trọng trong thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, đã hoàn thành tốt 10 chuyên đề quan trọng trong 27 chuyên đề của Đề án “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đề án đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua và ban hành Nghị quyết số 27, ngày 9/11/2022 - “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nghị quyết đã khẳng định những định hướng lớn về cải cách tư pháp, đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các ban bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao, nghiên cứu kỹ lưỡng, kiên trì thực hiện và quan trọng nhất là phải vượt qua rào cản lợi ích ngành thì mới đạt được mục tiêu đề ra.

Chủ tịch nước nêu rõ, trong cải cách tư pháp liên quan đến Nghị quyết 27 có 3 vấn đề cơ bản cần đạt được sự thống nhất, đồng thuận: là, giải quyết các vấn đề cải cách tư pháp trong một hệ thống chỉnh thể, cả về thiết chế lẫn thể chế; Đánh giá đầy đủ tác động đối với toàn bộ hệ thống chính trị, nhất là đối với nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước rất đặc thù ở Việt Nam, đó là vai trò lãnh đạo cầm quyền toàn diện, tuyệt đối của Đảng ta; Phải tính toán thật kỹ lưỡng, đầy đủ các điều kiện bảo đảm chín muồi để thực hiện các chủ trương, chính sách đó cả về lý luận, nhận thức, khung khổ pháp lý, năng lực tổ chức thực hiện và điều kiện cơ sở vật chất; cần phải loại bỏ vấn đề lợi ích ngành.