• 1229 lượt xem
  • 05:28 14/10/2022
  • Kinh tế

BOT vỡ phương án tài chính, nhà đầu tư điêu đứng

Bộ GTVT đề nghị Thường trực Chính phủ, Chính phủ thông qua giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập đối với 8 dự án BOT giao thông. Hầu hết các dự án này đều nằm trong diện không thể thu được phí hoặc thu phí thấp hơn nhiều so với phương án tài chính ban đầu. Câu chuyện của dự án Thái Nguyên- Chợ Mới là 1 ví dụ.

Trạm thu phí Quốc lộ 3, Km 77+922. Đã hơn 5 năm tuyến đường cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới đi vào khai thác. Thế nhưng, do người dân thường xuyên phản đối, việc thu phí vẫn chưa thể triển khai. Hệ thống trạm, nhà điều hành,…bị bỏ không nhiều năm.
Cách đó không xa, trạm thu phí Thái Nguyên-Chợ Mới đã đi vào hoạt động, nhưng chỉ lác đác phương tiện lưu thông.

Theo phương án tài chính, dự án Thái Nguyên- Chợ Mới nhà đầu tư được thu phí tại 2 trạm thu phí trên đường Thái Nguyên-Chợ Mới và trên QL3 cũ để hoàn vốn trong vòng 16 năm 1 tháng. Việc thu phí thấp hơn nhiều so với phương án tài chính đã khiến nhà đầu tư điêu đứng

Dự án Thái Nguyên- Chợ Mới là 1 trong 8 dự án BOT mà Bộ GTVT, Chính phủ thông qua giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập và trình Quốc hội chấp thuận chủ trương cho phép Chính phủ sử dụng nguồn ngân sách nhà nước khoảng 13.115 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án. Các chuyên gia cho rằng: Câu chuyện của 8 dự án đặt ra nhiều bài học đắt giá.

Theo Bộ GTVT, cả 8 dự án trình Chính phủ, Quốc hội xem xét xử lý đều có tính chất đặc thù như: dự án BOT đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa được thu phí, không thể thu phí, do mất an ninh, trật tự, phương án tài chính bị phá vỡ; dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế nhỏ hơn 30% so với hợp đồng. Và nếu tiếp tục thu phí và áp dụng các biện pháp như tăng phí, kéo dài thời gian thu phí,... phương án tài chính vẫn bị phá vỡ, dư nợ ngày càng tăng.

Nguyễn Duyên