Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích lý do không đưa điện vào danh mục hàng bình ổn giá

Thảo luận tại Hội trường về Luật Giá (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, điện là hàng hóa dịch vụ quan trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, do đó, cần đưa giá điện vào danh mục các mặt hàng bình ổn theo quy định của Luật Giá (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình tiếp thu ý kiến của các ĐBQH.

Theo các Đại biểu, trong nhóm danh mục hàng hóa trong danh mục bình ổn giá, có 10 hàng hóa dịch vụ, nhưng không bao gồm giá điện, mà mặt hàng này do Nhà nước định giá. Vì vậy, cần bổ sung mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đoàn TPHCM nêu quan điểm việc Nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam là mệnh lệnh hành chính chứ "Nhà nước không chi một đồng nào". Thực tế này dẫn tới việc EVN kinh doanh thua lỗ dù đã tăng giá điện 3%, với tổng lỗ 3 năm dự kiến hơn 100.000 tỉ đồng, bằng 49% vốn điều lệ của tập đoàn này. Hiện EVN đang nợ tiền mua điện gần 20.000 tỉ đồng đến hạn phải trả, nhưng không có tiền để trả. Điều này đe dọa tài chính của doanh nghiệp, không có tiền duy tu máy móc, năng lực sản xuất giảm cũng như khó vay các ngân hàng để có tiền trả nợ khách hàng, đầu tư mới.

Theo Đại biểu, Luật Giá hiện hành và dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chưa quy định nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước, gây nhiều vướng mắc, bất cập trong việc điều tiết giá, đặc biệt là giá điện.

Giải trình, tiếp thu các ý kiến trên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc không đưa giá điện vào diện bình ổn là do Nhà nước đã định giá. Việc định giá này sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng hơn, đảm bảo nguồn lực trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

Bộ trưởng Tài chính cũng khẳng định, hiện nay chủ yếu Tập đoàn EVN là tập đoàn của Nhà nước chiếm trên 50%. Thứ hai là nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa Luật Ngân sách để phù hợp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam