Bế mạc phiên họp thứ 10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 26/4, phiên họp thứ 10 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc sau 6 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm cao.

Tại phiên họp lần này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến 16 nội dung, trong đó có 14 nội dung chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ban hành 2 Nghị quyết thuộc thẩm quyền, xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội và một số nội dung quan trọng khác.

Phát biểu bế mạc phiên họp, đề cập đến nội dung dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, UBTVQH cơ bản thống nhất với đánh giá, đề nghị lập, triển khai thực hiện chương trình trong thời gian qua, đồng thời yêu cầu với những nội dung được đề xuất đưa vào chương trình phải nghiên cứu chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động sâu sắc, toàn diện, đúng quy trình của luật định, khắc phục tình trạng quyết định đưa vào rồi rút ra nhiều lần.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiêm túc thực hiện Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Chính phủ dành nhiều thời gian hơn nữa cho công tác hoàn thiện thể chế, cho ý kiến kỹ lưỡng, thấu đáo những vấn đề quan trọng hoặc những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trước khi trình UBTVQH và Quốc hội. 

Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội tăng cường trách nhiệm phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan trong việc chuẩn bị dự án, dự thảo, thể hiện rõ chính kiến trong quá trình thẩm tra, kiên quyết không đề xuất trình những dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng, thủ tục và hồ sơ tài liệu theo quy định.”

Tại phiên họp lần này, UBTVQH thống nhất bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hoà vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3, theo quy trình tại 1 kỳ họp; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tiếp thu ý kiến của UBTVQH để chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ tài liệu, tờ trình và dự thảo Nghị quyết; đánh giá toàn diện các chính sách được đề xuất tác động đến kinh tế, ngân sách, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tính hợp lý, khả thi trong các quy định ưu đãi, đánh giá và làm rõ tác động lan toả vùng cũng như giá trị nhân rộng mô hình sau thời gian thí điểm kết thúc. 

Về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, UBTVQH đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Đoàn Giám sát của Quốc hội trong việc đảm bảo tiến độ, nội dung giám sát; đồng thời ghi nhận những kết quả tích cực trong ban hành chính sách pháp luật cũng như tổ chức thực hiện về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch mới có hiệu lực.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kết quả giám sát cho thấy công tác lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 đã được đẩy nhanh hơn, bước đầu đi vào nề nếp. Tuy nhiên, những vướng mắc về quy định pháp luật và hạn chế, bất cập trong thực thi đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác lập quy hoạch dẫn đến việc hoàn thành quy hoạch còn rất chậm, tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của Nghị quyết 11 năm 2018 của Chính phủ. 

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Để tháo gỡ khó khăn đối với công tác quy hoạch, tập trung vào các vấn đề thực sự cấp bách, có ý nghĩa tác động ngay đến công tác quy hoạch, đề nghị Chính phủ ưu tiên tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt quyết định hoặc quyết định quy hoạch. Đặc biệt, coi trọng chất lượng quy hoạch, tập trung chỉ đạo có ưu tiên nguồn lực để hoàn thành sớm các quy hoạch quan trọng, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, hạ tầng chủ chốt. UBTVQH giao đoàn giám sát nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát để trình Quốc hội giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 3.”

Về kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021, Chủ tịch Quốc hội cho rằng công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ý thức tiết kiệm, chống lãng phí từng bước được nâng lên, đảm bảo sử dụng các nguồn lực nhà nước của nhân dân ngày càng tiết kiệm và hiệu quả hơn. 

Tuy nhiên, cả 7 lĩnh vực quan trọng vẫn diễn ra tình trạng lãng phí, còn vi phạm, sai sót ở các mức độ khác nhau, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài chính và ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm công, quản lý đất đai, tài sản công, tài nguyên và khoáng sản. Đề nghị Chính phủ rà soát, nêu bật những việc làm được, chưa làm được theo các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình tổng thể Chính phủ về thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã ban hành trong năm 2021. Bổ sung thêm địa chỉ các bộ, ngành, địa phương, các điển hình thực hiện tốt và các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt theo 7 lĩnh vực của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Diệu Linh