• 4096 lượt xem
  • 20:26 07/06/2022
  • Văn hóa

Bảo quản bảo vật Quốc gia lộ thiên: Nên che vào hay mở ra?

Kể từ năm 2012 đến nay, Nhà nước ta đã có 10 đợt công nhận Bảo vật Quốc gia với tổng số lên tới gần 300 bảo vật. Bảo vật Quốc gia là những hiện vật, nhóm hiện vật rất phong phú về nội dung, chất liệu, niên đại cũng như địa điểm phân bố. Chính vì vậy, việc bảo quản các Bảo vật Quốc gia cũng không hề đơn giản, nhất là đối với những Bảo vật Quốc gia được xây dựng ngoài trời.

Đây là hệ thống thành bậc sư tử đá của Chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên – một trong 23 Bảo vật Quốc gia vừa được công nhận vào cuối năm 2021 vừa qua. Tuy nhiên, nếu không được giới thiệu hay không có sự tìm hiểu trước thì chúng ta khó có thể biết đây là những bảo vật quí giá của đất nước. Theo hồ sơ Bảo vật, nhóm hiện vật này có niên đại từ cuối thế kỉ XI – đầu thế kỉ XII và là biểu tượng của nghệ thuật điêu khắc thời Lý. Có lẽ vì niên đại cả nghìn năm, nên hệ thống thành bậc này đã bị thời gian bào mòn không ít.

Ông NGUYỄN VĂN NĂM - Bí thư Đảng ủy xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên:“ Cái thành bậc đá nó nằm ở ngoài khuôn viên, không có tầm mái che. Để gìn giữ bảo vật lâu dài thì chúng ta phải bảo quản được. Nếu để bảo vật nằm ngoài mưa nắng thế này thì sớm muộn sẽ mất đi hiện trạng ban đầu của bảo vật”.

Theo chia sẻ của chính quyền xã Minh Hải, ban lãnh đạo xã cũng như ban quản lý di tích chùa Hương Lãng đã tính đến giải pháp làm mái bảo vệ cho hệ thống thành bậc này. Tuy nhiên, việc làm mái chống mưa nắng sẽ lại phá vỡ cảnh quan vốn có của chùa, vì vậy đến thời điểm này, việc bảo quản hệ thống thành bậc đá của chùa như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có đáp án.

Ông LÊ QUANG ĐÀO - Chủ tịch UBND xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên: “Địa phương đang gặp khó trong việc vừa giữ nguyên khuôn viên chùa nhưng vẫn bảo vệ được bảo vật. Chúng tôi đang đề nghị cơ quan chức năng của địa phương, của tỉnh có hướng dẫn cụ thể để chúng tôi bảo vệ bảo vật tốt hơn….”

Tính đến hết năm 2021, tỉnh Hưng Yên có 6 Bảo vật Quốc gia trong đó đã có 3 Bảo vật Quốc gia ngoài trời. Bên cạnh niềm vui, niềm tự hào khi có những hiện vật quí giá của đất nước nằm trên địa bàn tỉnh mình, chính quyền địa phương cũng rất trăn trở với nhiệm vụ bảo vệ và bảo quản các Bảo vật Quốc gia ngoài trời.

Ông ĐÀO MẠNH HUÂN - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Hưng Yên:Thời gian tới thì chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan chuyên môn ở trên Cục Di sản văn hóa để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền ban hành những hướng dẫn cụ thể để bảo quản tốt nhất những bảo vật quốc gia đã được Chính phủ công nhận trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.

Trong Luật Di sản cũng đã có qui định về trách nhiệm bảo vệ, bảo quản Bảo vật Quốc gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương, cá nhân, tổ chức về việc tăng cường bảo vệ, bảo quản các Bảo vật Quốc gia. Tuy nhiên, việc ban hành hướng dẫn chung cho các địa phương bảo quản các Bảo vật Quốc gia lộ thiên như thế này thì lại chưa có. “Che vào” hay “mở ra” ? “ Nước chảy, đá có mòn không?” đã đang và sẽ là nỗi trăn trở lớn nhất đối với những địa phương, tổ chức hay cá nhân sở hữu những Bảo vật Quốc gia ngoài trời như thế này.
 

Anh Thư – Văn Thắng