Áp giá trần với năng lượng Nga - hiệu quả và thách thức

Mục tiêu được EU đặt ra kể từ khi xung đột bùng nổ tại Ukraine là nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga, đồng thời kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng này, cắt giảm nguồn thu của Nga. Quyết định áp giá trần, song song với việc ngừng nhập khẩu dầu thô từ Nga, được coi là một bước tiến của EU nhằm thực hiện các mục tiêu này.

Bên cạnh đó, khối này vẫn đang đối mặt với một thách thức khác, đó là đi đến đồng thuận trong việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga. 

Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng EU ngày 24/11 vừa qua tiếp tục bất đồng về mức giá trần mà khối này có thể áp đặt đối với khí đốt của Nga.

EU đã phải vật lộn với mức giá năng lượng cao kỷ lục, vốn là hậu quả của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga – Ukraine. Giá khí đốt đạt đỉnh vào cuối tháng 8/2022 với gần 350 euro/MWh. Cuối tháng 11 vừa qua, giá đã giảm xuống còn khoảng 125 euro/MWh.

Mức giá được Ủy ban châu Âu đưa ra là 275 euro (tương đương 283 đô la Mỹ) đối với mỗi megawatt giờ (MWh). Nhiều nước cho rằng mức giá này là quá cao.

Bà ANNA MOSKWA - Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Môi trường Ba Lan: Mức giá trần được đưa ra không thể làm thỏa mãn bất cứ một quốc gia nào cả. Mức giá này thực sự như một trò đùa sau rất nhiều thảo luận và đề xuất của các quốc gia.”

Khoảng 15 quốc gia thành viên EU, chiếm hơn một nửa số thành viên của khối, muốn có một số hình thức hạn chế giá khí đốt. Trong khi Hà Lan và Đức lại tỏ ra hoài nghi về mức giá trần.

Ông SVEN GIEGOLD - Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Đức: “Nhiều chuyên gia đã chỉ trích về việc áp giá trần khí đốt. Bởi khi đặt giá quá thấp thì sẽ không còn nguồn cung nữa. Và nếu như không có khí đốt nữa thì vấn đề của chúng ta vẫn không thể giải quyết được.”

KHÔNG DỄ ÁP GIÁ TRẦN KHÍ ĐỐT

Trên thực tế, việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga được cho là khó khăn hơn so với áp giá trần dầu mỏ. Lý do lớn nhất là do mức độ phụ thuộc của châu Âu vào dầu mỏ và khí đốt là khác nhau.

EU đã đạt đồng thuận về việc cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển bắt đầu từ ngày 5/12 tới. Khối này cũng có thể nhập khẩu dầu từ Trung Đông để bù đắp thiếu hụt dầu từ Nga.

Trong khi đó, việc thay thế hoàn toàn khí đốt từ Nga là khó khăn hơn nhiều đối với EU. Năm 2022, EU nhập khoảng 60 tỷ mét khối khí đốt từ Nga, chỉ bằng một nửa so với mọi năm.

Tuy nhiên, số liệu từ Financial Times cho biết, trong năm qua, châu Âu đã nhập khẩu một lượng kỷ lục khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vận chuyển bằng đường biển từ Nga, với khối lượng nhập khẩu từ tháng 1-10 năm nay tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Hiện nay, EU chỉ kêu gọi các quốc gia cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt chứ chưa có biện pháp trừng phạt nào đối với khí đốt của Nga. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khối này chưa thể mạo hiểm cắt nguồn cung khí đốt của Nga trong ít nhất hai năm tới, do chưa kịp phát triển các nguồn năng lượng tái tạo thay thế. Việc tìm kiếm các nhà cung cấp khí đốt cũng khó khăn hơn so với dầu mỏ.

Tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) cũng đã cảnh báo sẽ dừng toàn bộ nguồn cung khí đốt tới EU nếu giá trần khí đốt được thực hiện. Chính vì vậy, EU sẽ cần phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi tiến hành bất kỳ động thái nào để tránh hậu quả không mong muốn.

Kim Ngọc