Áp đặt từ cha mẹ và giáo viên nguyên nhân trong nhiều ẩn ức kéo dài của trẻ, cần sớm thay đổi

Chấp nhận rằng vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ em là có thật và đang tác động đến nhiều trẻ đây là nhận định được các chuyên gia thống nhất tại tọa đàm về giải pháp chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức. Nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó vấn đề chăm sóc tâm lý học đường nhận được nhiều quan tâm.

Trong bối cảnh dịch bệnh gây ra nhiều căng thẳng xã hội trong 2 năm qua, trẻ em cũng không tránh khỏi bị tác động. Theo thống kê từ Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khoảng 48% trẻ em được khảo sát cho rằng mình bị áp lực do giãn cách xã hội, trong số này nhiều em cho biết đã bị bạo lực tinh thần, khoảng 32% nói không được gia đình quan tâm…

Ông NGUYỄN TRỌNG KHOA, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế: “Người tiếp cận sớm nhất là cái người có thể can thiệp sớm nhất. Hai chủ thể quan trọng nhất là giáo viên và cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Đây là những đối tượng cần quan tâm để có can thiệp. Riêng về cán bộ y tế là những đối tượng khi tiếp cận thì đã ở giai đoạn về sau.

Tuy nhiên, 2 chủ thể này cần trang bị chuyên môn để có thể hỗ trợ tư vấn tâm lý cho trẻ tốt hơn. Sự áp đặt hay thiếu lắng nghe từ cha mẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến những ẩn ức kéo dài ở con cái. Về phía nhà trường, thầy cô cần có khả năng tư vấn tâm lý cho học sinh, nhưng chỉ riêng thầy cô thì chưa đủ.

GS.TS NGUYỄN QUÝ THANH, Hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: Như sự kiện ở trường chuyên ở TP.Hồ Chí Minh vừa rồi ý, khi xảy ra những khiếu kiện về quấy rối tình dục thì chính các cô chuyên môn khuyên là thôi đi, dùng quyền lực chuyên môn của mình để khuyên các em. Lúc đó các em có thể nể các cô nhưng nó tạo thành ức chế. Mà cứ theo lý thuyết Freud, ức chế tích tụ sẽ bùng nổ.

TS NGUYỄN TÙNG LÂM, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng: Bộ Giáo dục và Đào tạo có Thông tư 31 có quy định có tổ tư vấn tâm lý nhưng lại không có biên chế, vị trí việc làm, đào tạo. Tại sao vấn đề quân sự vấn đề an ninh chúng ta có người làm có biên chế mà vấn đề tâm lý học đường chúng ta biết mà không giải quyết? Tôi đề nghị với Quốc hội phải mạnh dạn, vấn đề đã đặt ra như thế tại sao không giải quyết. Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ phải ngồi lại với nhau với Bộ Giáo dục để giải quyết chứ không để anh nọ đổ cho anh kia.”

Từ phía đơn vị quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết nguồn lực và ngân sách hiện nay chưa đủ để có riêng vị trí tư vấn tâm lý. Trong thời điểm còn nhiều khó khăn, sự chung sức từ mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội là rất cần thiết. Tiền đề của mọi giải pháp sự nhận thức đúng đắn về sức khỏe tâm thần ở trẻ em.

Đỗ Minh