908 dự án với diện tích hơn 28.100 ha có dấu hiệu chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng

Sáng ngày 5/9, Đoàn giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn đã làm việc với Chính phủ về “việc thực hiện chính sác h pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Về phía Chính phủ, tham dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cùng đại diện các Bộ, ngành.

Trong giai đoạn giám sát, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành hơn 5.900 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có 6 văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết. Tỷ lệ giải ngân trung bình cả giai đoạn 2016-2020 là 83,4%. Tuy nhiên, còn tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Có 908 dự án với diện tích hơn 28.100 ha có dấu hiệu chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng. Còn hơn 463.000 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng.

Qua giám sát bước đầu cho thấy, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, ban hành chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ chưa được khắc phục triệt để. Xây dựng dự toán hàng năm NSNN chưa sát thực tế còn chậm được khắc phục; còn tình trạng nợ đọng thuế, thất thu; chưa triệt để tiết kiệm, còn thất thoát, lãng phí lớn trong chi tiêu ở 1 số lĩnh vực. Hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ, điều chỉnh nhiều lần; cá biệt có các dự án hoàn thành nhiều năm chưa được đưa vào sử dụng hoặc đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả thấp.

Các thành viên Đoàn giám sát cũng cho rằng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là luật hình thức. Vì vậy với tính chất là đợt giám sát chuyên đề tối cao lần này, cần chỉ rõ việc tuân thủ các hành vi trong Luật này, những vướng mắc, khuyết thiếu trong tổ chức thực hiện, từ đó soi rọi vào các luật nội dung để có kiến nghị, giải quyết.

Ông LÊ THANH VÂN
Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội
"Ví dụ như tính quản lý Nhà nước trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do không rõ thì phải khắc phục bằng cách giao chủ thể để chủ trì giúp Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho Bộ Tài chính rõ ràng hơn. Bộ tài chính nên cải cách bộ máy theo hướng giao đơn vị thêm chức năng tham mưu cho Bộ để Bộ giúp Chính phủ chức năng này."

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, báo cáo cần làm rõ những hạn chế từ việc chậm ban hành và triển khai các quy định dưới Luật, tính hình thức trong việc ban hành, triển khai Chương trình, kế hoạch hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG
Thành viên Đoàn giám sát
"Hầu như các Chương trình, kế hoạch hành động của các Bộ, ngành địa phương gần như giống nhau, thậm chí nếu không bản hành Kế hoạch hành động nhiều khi cũng không thay đổi gì. Điển hình chúng thấy có 1 tỉnh không ban hành Kế hoạch một năm và trong 1 năm ấy thì kết quả không khác gì với các năm khác, điều đó chứng tỏ cái này vô cùng hình thức. Do vậy đề nghị Kế hoạch hành động phải gắn với vấn đề nổi cộm, chỉ tiêu của ngành và sau 1 năm phải khắc phục được cái gì?"

Đến nay, Đoàn giám sát đã làm việc với 15 Bộ ngành, 15 địa phương và 1 cuộc làm việc với các cơ quan tư pháp. Các thành viên đoàn giám sát cũng chỉ ra còn lãng phí trong chi tiêu. Nhiều dự án đầu tư thua lỗ, gây lãng phí. Hệ thống thông tin, lưu trữ thiếu thống nhất giữa các bộ ngành địa phương.

Khắc Phục