61 nghìn tỷ trái phiếu đến hạn cuối năm 2022

Tháng 12/2022 sẽ có gần 48.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn, trong khoảng 144.500 tỷ đồng khối lượng trái phiếu phải đáo hạn của cả năm. Đáng nói, số trái phiếu phát hành mới chưa đầy 4.800 tỷ đồng.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong 10 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp phát hành 328.900 tỷ đồng trái phiếu, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần trong thời gian tới. Khối lượng phát hành Quý 1, Quý 2, Quý 3 lần lượt là 134,8 nghìn; 122,4 nghìn, quý 3 là 65,9 nghìn tỷ đồng. Riêng tháng 10/2022, giá trị trái phiếu phát hành chỉ còn 5.800 tỷ đồng.

Doanh nghiệp phát hành chủ yếu thuộc về ngành ngân hàng và BĐS. Trong đó, trái phiếu phát hành riêng lẻ, với tỷ lệ 46,48% có tài sản đảm bảo và 53,52% không có tài sản đảm bảo.

Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. Và trong đến cuối năm 2022 còn hơn 61.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn.

Các chuyên gia nhận định: nhiều doanh nghiệp phải mua lại trái phiếu trước hạn do những quy định từ NĐ 65/2022 của Chính phủ khiến dòng vốn từ trái phiếu khó huy động. Thêm vào đó, lãi suất huy động vốn của các ngân hàng đang tăng cao, trong khi niềm tin của nhà đầu tư vào doanh nghiệp lại sụt giảm nghiêm trọng. Doanh nghiệp đành tự xoay sở bằng cách cắt giảm nhân sự, tăng chiết khấu, giảm giá bán sản phẩm để hướng dòng tiền vào các lô trái phiếu đến hạn. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn cần sự hỗ trợ căn cơ từ chính sách, như nới room tín dụng, cơ chế cho vay mua BĐS… bởi trong năm 2023 còn 271.400 tỷ đồng và năm 2024 là 329.500 tỷ đồng trái phiếu phải đáo hạn, doanh nghiệp chắc chắn sẽ “đuối sức trên đống tài sản”.

Nguyễn Bình