36 năm Gạc Ma: Không một ai bị lãng quên

36 năm trước, vào ngày 14/3/1988, tại các bãi đá Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng để bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên vùng biển quê hương.

Sự kiện 64 chiến sĩ nắm chặt tay nhau tạo thành “vòng tròn bất tử” bảo vệ đảo Gạc Ma mặc cho pháo đạn kẻ thù đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước. Những ngày tháng 3 này, cái tên Gạc Ma lại nhắc nhở các thế hệ người Việt hôm nay về một ký ức bi tráng không thể nào quên. 

Ngày 14/3/1988, lực lượng hải quân nước ngoài với nhiều tàu chiến và vũ khí trang bị hiện đại đã bất ngờ tấn công cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên cụm đảo Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin (Trường Sa, Khánh Hòa). Trong cuộc chiến không cân sức ấy, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại giữa biển sâu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên biển Đông.

Giờ đây, mỗi chuyến tàu ra Trường Sa khi đi qua vùng biển này đều thực hiện nghi thức tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã xuống trong trận hải chiến năm xưa. Nghi thức tưởng niệm ấy có cả bi thương xen lẫn tự hào.

Bài học lịch sử ấy vẫn vang mãi đến ngày hôm nay. Từng con hạc giấy được nâng niu, từng bông cúc được cắt tỉa cẩn trọng, kết thành vòng hoa dâng lên anh linh các liệt sĩ.

Giữa trùng khơi là máu xương, là tuổi trẻ, là ý chí quật cường của những chiến sỹ hải quân đã bám trụ và ngã xuống để giữ từng tấc đảo, từng sải biển của Tổ quốc. Ở nơi linh thiêng ấy, linh hồn các anh sẽ như những cánh hạc, bình yên bay về trời.

Trước lúc hy sinh, anh hùng, liệt sĩ Trần Văn Phương đã có câu nói bất hủ trong lịch sử Hải quân Việt Nam: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân anh hùng”.

Và hôm nay, nhân kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình, quê hương của liệt sĩ Trần Văn Phương, đã tổ chức lễ gắn tên đường Trần Văn Phương.

Tuyến đường dài hơn 1km, chạy dọc theo sông Gianh rồi dẫn ra cửa biển. Trên tuyến đường này hướng thẳng ra ngôi nhà gắn bó với tuổi thơ của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương như một gạch nối giữa nơi sinh và nơi anh đã ngã xuống khi bảo vệ đảo đá Gạc Ma, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. 

Mời quý vị dõi nội dung chi tiết!

Thùy Trang -

Như Huỳnh