Xung đột Nga - Ukraine: Nỗ lực tháo gỡ căng thẳng Ukraine, các biện pháp trừng phạt chưa làm khó Nga

Nỗ lực tìm lối thoát cho căng thẳng Ukraine; Các biện pháp trừng phạt chưa làm khó Nga; Nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột Nga và Ukraine... là những tin tức quốc tế đáng chú ý ngày 13/03/2022.

NỖ LỰC THÁO GỠ CĂNG THẲNG UKRAINE

Trong nỗ lực tìm lối thoát cho căng thẳng Ukraine, hôm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tiến hành cuộc điện đàm mới với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình tại Ukraine. Các biện pháp trừng phạt chưa làm khó Nga, nước này vẫn tự tin đứng vững trước các lệnh trừng phạt. Không chỉ thế phương Tây còn có thể sẽ hứng chịu hậu quả ngược

Nối tiếp cuộc điện đàm hôm 10/3 vừa qua, lãnh đạo Pháp, Đức hối thúc ông Putin ban bố lệnh ngừng bắn ở Ukrain ngay lập tức. Cả 3 nhà lãnh đạo cũng nhất trí duy trì liên lạc. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Tổng thống Nga Putin luôn ủng hộ quá trình đàm phán và ngoại giao. Trong khi đó, tuyên bố mới nhất của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (cũng cho biết, Nga có thể nối lại đàm phán về kiểm soát vũ khí với Mỹ nếu Washington sẵn sàng thực hiện điều này

CÁC BIỆN PHÁP TRỪNG PHẠT CHƯA LÀM KHÓ NGA

Thống kê của trang cơ sở dữ liệu Castellum.ai chuyên theo dõi các biện pháp trừng phạt toàn cầu cho biết, kể từ ngày 22/2, Nga đã trở thành mục tiêu của hơn 3.500 lệnh trừng phạt mới, trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, vượt qua cả Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, một chính trị gia, đồng thời là chuyên gia kinh tế của Nga khẳng định, nước này vẫn tự tin đứng vững trước các lệnh trừng phạt. Không chỉ thế phương Tây còn có thể sẽ hứng chịu hậu quả ngược

Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) đã thông qua một loạt các biện pháp thúc đẩy đổi mới và hỗ trợ kinh doanh để đối phó với các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Các biện pháp này sau đó đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua. Đây là thông tin được đưa ra bởi ông Mikhail Delyagin, nhà kinh tế học nổi tiếng, đồng thời cũng là nghị sĩ tại Duma Quốc gia Nga. 

Ông MIKHAIL DELYAGIN - Nghị sĩ Duma Quốc gia Nga: “Các biện pháp mới được thông qua nhằm tăng tốc phát triển và tìm sản phẩm thay thế cho hàng hóa nhập khẩu. Chúng ta cần phải xác định rõ những mặt hàng nào có thể thay thế bằng sản phẩm sản xuất trong nước, sản phẩm nào cần thời gian để sản xuất và sản phẩm nào cần phải mua, cách mua như thế nào. Chúng tôi đã liên lạc với Trung Quốc về vấn đề này.”

Ông Mikhail Delyagin cũng nhận định, việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga sẽ không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga. 

Ông MIKHAIL DELYAGIN - Nghị sĩ Duma Quốc gia Nga: “Tôi không nghĩ điều này sẽ trở thành mối đe dọa lớn đối với Nga. Dầu và các sản phẩm từ dầu mà chúng tôi cung cấp cho Mỹ chỉ chiếm 10% tổng lượng xuất khẩu của chúng tôi. Mỹ không phải là thị trường chính của chúng tôi. Mỹ mới phải chịu áp lực từ điều này.”

Hiện Liên minh châu Âu EU cũng đang thảo luận về lộ trình giảm dần sự phụ thuộc vào dầu, khí đốt và than đá của Nga, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Mikhail Delyagin, đây không phải vấn đề nghiêm trọng, đồng thời khẳng định, năng lượng là vũ khí của Nga.

NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC TOÀN CẦU DO XUNG ĐỘT Ở UKRAINE

Trong bối cảnh thế giới thiếu lương thực do đại dịch COVID-19, việc gián đoạn sản xuất nông nghiệp ở Nga và Ukraine do xung đột quân sự có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Đây là cảnh báo mới được đưa ra bởi Tổng Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc. 

Nga và Ukraine đóng vai trò quan trọng trong sản xuất và cung cấp lương thực toàn cầu. Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine đứng thứ năm. Cả hai nước xuất khẩu 19% nguồn cung lúa mạch, 14% lúa mì và 4% ngô của thế giới; chiếm hơn một phần ba lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là nhà cung cấp phân bón toàn cầu, với Nga là nhà sản xuất hàng đầu. Do đó, gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Nga sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với an ninh lương thực, tác động lớn nhất đến khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì. Nhiều nước trong số này là các nước kém phát triển nhất hoặc các nước có thu nhập thấp, thiếu lương thực, ở Bắc Phi, châu Á và một số nơi khác. Trên thực tế, giá thực phẩm trên thế giới đã đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2/2022 vừa qua do nhu cầu cao, chi phí đầu vào và vận tải tăng.

Kim Ngọc