Xung đột Nga - Ukraine: Một năm nhìn lại

Ngày 24/2 đánh dấu một năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Cuộc xung đột không chỉ gây tổn thất lớn về người và của cho Nga và Ukraine, mà đây đã trở thành cuộc khủng hoảng đa tầng trên phạm vi toàn cầu, ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực.

Trong năm vừa qua, cuộc xung đột ở Ukraine và những hệ luỵ của nó được nhắc đến liên tục trên truyền thông. Chiến tranh là điều không ai mong muốn, và điều mà dư luận thế giới mong mỏi là bao giờ xung đột chấm dứt. Trước tiên, hãy cùng nhìn lại những dấu mốc quan trọng trong cuộc xung đột này.

NHỮNG DẤU MỐC QUAN TRỌNG SAU 1 NĂM NỔ RA CUỘC XUNG ĐỘT Ở UKRAINE 

THÁNG 2/2022

Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ các hướng Bắc, Đông và Nam. Ông nhấn mạnh chiến dịch được tiến hành nhằm mục đích phi quân sự hóa, phi phát xít hóa Ukraine để bảo vệ cộng đồng người Nga ở Donbass, ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO. Chỉ ít phút sau tuyên bố của ông Putin, các cuộc tập kích tên lửa trên diện rộng đã xảy ra ở nhiều khu vực trên khắp Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kiev.

THÁNG 3/2022

Những ngày đầu nổ ra xung đột, lực lượng Nga nhanh chóng áp sát thủ đô Kiev của Ukraine. Quân đội Nga không dấu ý định "đánh nhanh thắng nhanh" bằng việc thay đổi chính quyền Ukraine. Đến cuối tháng 3/2022, Nga đã kiểm soát 1/4 lãnh thổ Ukraine.

BƯỚC NGOẶT

Đến đầu tháng 4, vấp phải sự kháng cự của quân đội Ukraine, lực lượng Nga bắt đầu rút quân khỏi các khu vực lân cận thủ đô của Ukraine.

Cuối tháng 5, sau hơn 3 tháng bị bao vây, binh sĩ Ukraine tại thành phố Mariupol đầu hàng. Việc kiểm soát Mariupol giúp Nga có một cảng biển quan trọng và tạo hành lang trên bộ đến bán đảo Crimea. Đây cũng được xem là thành công đáng kể nhất kể từ khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine.

Tháng 6/2022

Nga chuyển hướng tập trung vào khu vực miền Đông Ukraine.

THÁNG 7/2022

Ngày 22/7, Nga và Ukraine - với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc - đã đồng ý về thỏa thuận “giải phóng” số ngũ cốc bị mắc kẹt tại các cảng Biển Đen của Ukraine, chấm dứt tình trạng bế tắc đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.

THÁNG 9/2022

Ngày 6/9, Ukraine phát động một cuộc phản công bất ngờ ở khu vực Kharkov, buộc lực lượng Nga phải rút lui khỏi các khu vực rộng lớn mà họ đã kiểm soát trong nhiều tháng.
Ngày 21/9, Tổng thống Putin ra lệnh huy động 300.000 quân dự bị. Cùng lúc đó, Nga tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập ở các vùng Kherson, Zaporozhzhia của Ukraine cũng như ở hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Tuy nhiên, Ukraine và các đồng minh phương Tây tuyên bố không công nhận.

Ngày 30/9, Tổng thống Putin ký các văn bản sáp nhập bốn khu vực nói trên vào Nga trong một buổi lễ ở Điện Kremlin.

NGA THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT

Khi mùa đông đến, Nga thay đổi chiến thuật bằng việc tập kích phá huỷ hạ tầng năng lượng của Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái. Trên chiến trường, quân đội Ukraine giành lại Kherson vào tháng 11, một thắng lợi lớn trong chiến dịch phản công. Trong tháng tiếp theo, giao tranh chủ yếu diễn ra tại Bakhmut, một thành phố ở miền Đông Ukraine.

THÁNG 2/2023

Ngày 20/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm Kiev, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với Ukraine.

Ngày 21/2, 1 ngày sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ, Tổng thống Nga Putin đọc Thông điệp liên bang và khẳng định Nga đã nỗ lực bằng mọi cách để giải quyết khủng hoảng Ukraine bằng các biện pháp hòa bình.

CUỘC XUNG ĐỘT LỚN NHẤT Ở CHÂU ÂU KỂ TỪ THẾ CHIẾN 2 

Cuộc xung đột Nga - Ukraine được đánh giá là cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến thứ 2. Một năm qua, mỗi ngày lại có thêm những người vợ mất chồng, người con mất cha, là cảnh chia ly, là đất nước bị tàn phá. Trong phóng sự sau đây, chúng ta sẽ cùng tới chiến trường Ukraine để chứng kiến sự ác liệt không kém phần các cuộc xung đột nào từ trước tới nay. 

CHIẾN TRƯỜNG ÁC LIỆT

Thành phố cảng Mariupol, một địa điểm thu hút khách du lịch tới Ukraine. Trước khi chiến sự nổ ra.

Giờ đây phần lớn là khung cảnh hoang tàn, chìm trong sắc màu xám xịt.

Trên cánh đồng, chi chít những ngôi mộ vô danh.

Thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine, nơi được coi là điểm nóng giao tranh hiện nay. Những người lính Ukraine ví nơi đây như chiến trường Verdun, trận đánh năm 1916 thường được gọi là "cối xay thịt" với hàng trăm ngàn binh sĩ thương vong.

Tính đến tháng 12/2022, chi phí tái thiết cơ sở hạ tầng và thiệt hại nền kinh tế của Ukraine là gần 138 tỷ USD. Trong khi đó, đến tháng 11/2022, Forbes ước tính cuộc xung đột đã khiến Nga thiệt hại 82 tỷ USD, chiếm ¼ GDP của nước này. Tuy nhiên, các con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

VŨ KHÍ Ồ ẠT ĐỔ VÀO UKRAINE

Tính đến tháng 2 năm nay, hơn 130 tỉ USD viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo đã được Mỹ và các nước phương Tây cam kết và cung cấp cho Ukraine. Trong đó, số tiền mà Mỹ chi để hỗ trợ cho Ukraine lên tới gần 100 tỉ USD, gấp đôi cả EU gộp lại.

Hồi tháng 1 vừa qua, các nước NATO đã đồng ý chuyển xe tăng chiến đấu chủ lực cho Kiev, trong khi đó, các khí tài hiện đại hơn như tiêm kích cũng đang được cân nhắc. Chỉ trong một thời gian ngắn, phương Tây đã gia tăng mức độ vũ khí hỗ trợ cho Ukraine và khẳng định động thái này nhằm thể hiện sự đoàn kết của liên minh này cũng như hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng phòng thủ và tấn công.

Về phía Nga, dù sở hữu kho vũ khí khổng lồ từ thời Liên Xô, song việc sử dụng hỏa lực nhiều hơn so với dự kiến ban đầu, đã gây ra tình trạng thiếu hụt tên lửa, đạn dược. Giới phân tích cho rằng Nga có thể tìm đến một số đồng minh hoặc đối tác để bù đắp cho sự thiếu hụt này.

CUỘC SỐNG Ở HẬU PHƯƠNG UKRAINE VÀ NGA: HY VỌNG VÀ NỖI SỢ HÃI 

Với nhiều người dân Ukraine, cuộc xung đột là một “cơn ác mộng”. Hơn 14 triệu người Ukraine đã phải rời bỏ nhà cửa. Không nhà, mất người thân, cuộc sống yên bình của họ giờ chỉ còn có những tiếng súng và pháo nổ.Trong khi đó, ở Nga, xung đột cũng khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

NỖI LO SỢ THƯỜNG TRỰC

Đêm đông dài và lạnh lẽo đối với cư dân ở Buchan, nhất là với những người sống trong những căn nhà tạm bợ, nơi họ phải chống chọi với thời tiết băng giá và việc cắt điện thường xuyên.

Từ khi xung đột nổ ra, người dân Ukraine luôn phải sống trong nỗi lo lắng và sợ hãi về các cuộc không kích thường trực.

Gia cố cửa sổ, cửa ra vào bằng những tấm gỗ lớn, dọn dẹp các mảnh kính vỡ đã dần trở thành công việc hàng ngày của người dân tại khu nhà này.

Cũng giống như nhiều gia đình Ukraine, cuộc xung đột đã cướp đi không ít người con, người chồng và người cha ở Nga.

Tại thủ đô Mát-x-cơ-va, tác động của các lệnh trừng phạt phương Tây có thể cảm nhận rõ. Giá cả các mặt hàng tăng vọt, các thương hiệu phương Tây vắng bóng. Dù nền kinh tế Nga đã thể hiện sức chống chịu mạnh hơn dự đoán nhờ giá năng lượng cao, nhưng tình hình sẽ càng khó khăn hơn trước nhiều áp lực khi xung đột kéo dài.

1 năm kể từ khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận chính thức vẫn cho thấy tỷ lệ ủng hộ ông Putin ở mức khoảng 80%, nhưng quan điểm của hàng triệu người Nga về cuộc xung đột này vẫn rất khó xác định.

Chẳng hạn, 2 người cùng có cái tên Yekateria, cùng là người dân thành phố Mát-x-cơ-va, nhưng lại có những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Chị Yekateria, 38 tuổi, hiện sinh sống ở phía nam thành phố, là một trong những người ủng hộ quan điểm của ông Putin và tin rằng Nga sẽ chiến thắng.

Trong khi đó, chỉ cách 10km về phía nam, chị Yekaterina Varenik, 26 tuổi, lại có một cái nhìn hoàn toàn khác. Chị lo lắng khi nhiều thanh niên phải ra mặt trận và không trở về.

VIỄN CẢNH VỀ MỘT CUỘC XUNG ĐỘT KÉO DÀI NHIỀU NĂM 

Chiến trường vẫn đầy khốc liệt. Các cuộc đàm phán hòa bình đã đóng băng kể từ tháng 3 năm ngoái và chưa có dấu hiệu bên nào có thể nhượng bộ. Giới quan sát cho rằng, cả Nga và Ukraine đều không muốn từ bỏ những gì mà họ đã đạt được để thỏa thuận với bên còn lại.

Hy vọng về các cuộc đàm phán hoà bình vẫn còn xa vời. Sau đây chúng ta hãy cùng theo dõi một số nhận định về viễn cảnh cuộc xung đột ở Ukraine.

HÒA BÌNH VẪN CÒN XA VỜI

Trong một bài viết được tờ The Guardian của Anh đăng tải, trả lời cho câu hỏi “Ai sẽ giành chiến thắng?”, tác giả bài viết cho rằng có rất nhiều yếu tố để đánh giá điều này. Cả Nga và Ukraine đều chưa đạt được mục tiêu mà mình đặt ra. Thiệt hại của Nga trong cuộc xung đột là rất lớn. Còn với Ukraine, nước này gần đây phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí của phương Tây, bao gồm cả đạn dược. Một điều nữa cũng được tác giả nhắc đến, là cũng chưa rõ mức độ ảnh hưởng của các loại vũ khí chủ lực tới cuộc xung đột. Do vậy, vẫn chưa thể có câu trả lời rõ ràng.

Còn trên tờ The Hill, một bài phân tích có nhan đề “Câu hỏi lớn nhất sau 1 năm xung đột Ukraine: Hãy cho tôi biết nó kết thúc như thế nào?”. Bài viết khẳng định, cuộc xung đột này sẽ chưa thể kết thúc trong một tương lai gần và câu trả lời thực tế hơn là điều gì sẽ xảy ra với Ukraine. Tác giả bài viết nhận định một cuộc xung đột "đóng băng" tương tự như trên bán đảo Triều Tiên là một khả năng, và dự báo sẽ kéo dài qua nhiều thế hệ.