Xem xét trình sửa đổi Luật Di sản Văn hoá

Trong thời gian tới, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lich sẽ trình Thủ tướng cho phép lập hồ sơ sửa đổi Luật Di sản Văn hoá nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc, khắc phục những bất cập, hạn chế sau 20 năm Luật Di sản văn hoá được ban hành và 10 năm triển khai Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Di sản Văn hoá.

Sau 20 năm Luật Di sản văn hoá được ban hành và 10 năm sửa đổi, bổ sung Luật,  sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá đã và đang được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm, được  đông đảo  các tầng lớp nhân dân ở khắp mọi miền đất nước ủng hộ, nhờ vậy đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Di sản văn hóa là lĩnh vực chuyên ngành có hệ thống văn bản pháp lý hoàn chỉnh sớm nhất trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hiện nay, hệ thống pháp luật về di sản văn hóa bao gồm: 01 Luật, 01 Luật sửa đổi, bổ sung; 07 Nghị định của Chính phủ; 03 Quyết định và 01 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 17 Thông tư, 08 Quyết định, 03 Chỉ thị theo  thẩm quyền; đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nội vụ để ban hành 02 Thông tư liên tịch. 

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể.

Bà Ngô Thị Minh  - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:  “Trách nhiệm của những cơ quan, của những cán bộ tham mưu …và phát huy những di sản này chưa được tận tâm với công việc. Ngân sách chúng ta đầu tư cho di sản cũng còn có nhiều hạn chế. Công tác xã hội hóa không phát huy được như mong muốn. Ý thức của người dân chưa hiểu luật và chúng ta chưa thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể..”.

Pháp luật về di sản văn hóa phi vật thể ra đời sau pháp luật về di sản văn hóa vật thể, nên trong cách hiểu về các khái niệm, thuật ngữ cũng bị ảnh hưởng theo góc độ di sản văn hóa vật thể. Trong lĩnh vực tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, một số quy định pháp luật khác còn chồng chéo với pháp luật về di sản văn hóa, gây nên chậm trễ cho hoạt động thẩm định các dự án tu bổ di tích, dẫn tới các dự án tu bổ di tích thường bị kéo dài tiến độ so với kế hoạch, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thẩm định, phê duyệt dự án. 

Ông Trần Hữu Sơn - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam: “Chúng ta thấy chúng ta xem lại trong Luật Di sản, thậm chí cái xác định tiêu chí văn hóa di sản và phân cấp di sản như thế nào. Chúng ta, xem xét vấn đề trùng tu, tôn tạo di tích trong cải cách hành chính, phải xem như thế nào là cấp nào quản lý và phân cấp mạnh. Thứ hai là giảm bớt thủ tục phiền hà để . Khi nào người dân được làm chủ khi đó di sản sẽ được bảo vệ tốt hơn".

Trong lĩnh vực bảo tàng, vẫn còn nhiều quy định còn chưa cụ thể thiên về định tính, chưa định lượng, nhiều quy định của Luật còn chưa có hoặc chưa đầy đủ  cũng gây ra những khó khăn, vướng mắc khi triển khai nhiệm vụ. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, địều chỉnh và cụ thể hóa được những vẫn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.