Xem xét thời hạn hành nghề đối với người có bài thuốc gia truyền trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Tiếp tục phiên họp thứ 10, sáng nay 21/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

XEM XÉT THỜI HẠN HÀNH NGHỀ ĐỐI VỚI LƯƠNG Y, NGƯỜI CÓ BÀI THUỐC GIA TRUYỀN

Theo tờ trình của Chính phủ, nội dung của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tập trung vào 04 nhóm chính sách lớn như: Nâng cao kỹ năng hành nghề, tăng cường quản lý hoạt động của người hành nghề ; Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong khám bệnh, chữa bệnh; Đổi mới một số quy định liên quan điều kiện bảo đảm thực hiện.

Đối với nội dung về nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề, Dự án Luật quy định phải đánh giá năng lực hành nghề trước khi cấp giấy phép hành nghề đối với các chức danh: bác sĩ, y sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; điều dưỡng; hộ sinh; kĩ thuật y; dinh dưỡng; cấp cứu viên ngoại viện (Paramedic); các đối tượng là lương y, người có bài thuốc gia truyền, người có phương pháp chữa bệnh gia truyền tiếp tục áp dụng hình thức xét cấp dựa vào hồ sơ. Đồng thời quy định phải cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong quá trình hành nghề.

Về thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề, Dự thảo Luật quy định theo hướng giao Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hành nghề; Thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động. 

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhất trí về sự cần thiết của việc ban hành Luật với các lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên đối với nội  dung thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, đáp ứng đủ căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn. Đặc biệt là vấn đề kiểm tra thực hành cần phải được quy định cụ thể để việc thi đánh giá năng lực hành nghề đảm bảo được kết quả chính xác.

Về thời hạn của giấy phép hành nghề đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, Thường trực Ủy ban Xã hội thấy rằng, việc quy định giấy phép hành nghề có thời hạn 5 năm đối với ‟chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền” là nội dung khác với dự thảo Luật kèm theo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định thời hạn giấy phép hành nghề đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) là dịch vụ đặc biệt,  Thường trực Ủy ban Xã hội khẳng định, đây là vấn đề  có tác động lớn đến quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đến ngân sách nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân, do vậy, thẩm quyền quyết định giá dịch vụ KCB vẫn cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá. Theo Luật Giá, Nhà nước chỉ định khung giá và mức giá dịch vụ KCB tại cơ sở KCB của Nhà nước, do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý giá dịch vụ KCB và việc quản lý giá dịch KCB đối với cơ sở KCB tư nhân.

CẦN CÓ THỜI HẠN CỤ THỂ ĐỐI VỚI GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH

Có nên trao hết quyền cấp giấy phép hành nghề cho Hội đồng Y khoa; thực hiện việc phân cấp trong cấp phép hoạt động  hay cần làm rõ mối quan hệ, nhiệm vụ, quyền hạn của việc phân cấp, phân tuyến khám chữa bệnh.. là vấn đề được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội  khi cho ý kiến về Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về giấy phép hoạt động cho cơ sở khám chữa bệnh, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới, nên quy định cụ thể thời hạn hoạt động của những cơ sở này, cụ thể là 5 năm. 

Ông LÊ TẤN TỚI, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội: Điều 46 quy định giấy phép hoạt động của cơ sở KCB có 2 năm. Theo tôi nên có giới hạn là 5 năm. Kiểm tra đoàng hoàng..., nhưng nếu không giới hạn 5-7 năm nhỡ cơ sở này xuống cấp hay thuê mướn và sau khi có giấy phép hoạt động rồi lại chuyển đi nơi khác”.

Đối với việc cấp giấy phép hành nghề,  Dự thảo Luật quy định theo hướng giao Hội đồng Y khoa tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và cấp giấy phép hành nghề; thực hiện việc phân cấp về cấp giấy phép hoạt động. Về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng cần phải có sự phân cấp.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Điều 25 thẩm quyền cấp và thu hồi giấy phép hành nghề quy định… thẩm quyền cấp hành nghề là y khoa quốc gia.. thì Hội đồng y khoa cấp hết giấy phép cho cả nước liệu có làm được hay không? Do vậy theo tôi nên phân cấp.”

Về thời hạn của giấy phép hành nghề đối với chức danh lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, quy định 5 năm đánh giá 1 lần là phù hợp bởi bài thuốc gia truyền rất khó có thể đánh giá được chất lượng cũng như tay nghề.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: Đối với lương y và bài thuốc gia truyền thì sau 5 năm có phù hợp không, sau 5 năm thì kiểm tra cấp tiếp. Tôi thích ông thì tôi cấp cho ông… Cần đánh giá và có thiết kế cho phù hợp. Bài thuốc gia truyền không truyền cho ai chỉ truyền cho 1 người, thầy, trò hoặc nguời nhà, nhưng không ai đánh giá được”.

Góp ý vào nội dung phân cấp hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ mối quan hệ, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp. Phân tích ưu điểm, nhược điểm, hiệu quả, mục đích của phân tuyến, phân cấp lại hệ thống khám chữa bệnh để làm rõ sự cần thiết, ưu việt của chính sách này so với việc phân tuyến hiện tại.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Cơ quan chủ trì thẩm tra cần làm rõ, nghiên cứu, bổ sung về chức năng nhiệm vụ, phạm vi cung cấp dịch vụ của từng tuyến một, quy định về chuyển tuyến, chuyển cấp giữa các tuyến…; cần có giải pháp tình trạng vượt tuyến không cần thiết, tránh lạm dụng việc chuyển này.”

Về chính sách sử dụng ngôn ngữ trong KCB tại Việt Nam đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, một số đại biểu cho rằng trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như áp dụng khoa học công nghệ vào mọi mặt của đời sống trong đó có y khoa thì việc sử dụng người nước ngoài vào công tác khám bệnh là cần thiết. Do vậy, thay vì những rào cản như quy định chặt chẽ về việc sử dụng ngôn ngữ thì nên quản lý chặt chẽ đối với phiên dịch viên./.
 

Diệu Huyền