Xem xét kéo dài lộ trình sáp nhập các trạm y tế

Sáng 30/8, tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 đã có buổi làm việc với các bộ ngành để làm rõ một số nội dung trong báo cáo giám sát.

Liên quan đến việc cắt giảm nhiều trạm y tế ở một số địa phương khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã nhưng không có phương án chuyển đổi thành điểm trạm và duy trì hoạt động tại các cơ sở y tế cũ, làm ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là ở những xã miền núi, biên giới, đặc biệt khó khăn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết phương án sắp xếp là do các địa phương chủ động, ngành y tế luôn quán triệt quan điểm của các nghị quyết của Trung ương, việc sắp xếp phải đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Ông NGUYỄN XUÂN TUYÊN, Thứ trưởng Bộ Y tế: “Cấp tỉnh giải thích về việc nhập 2 xã không duy trì điểm trạm y tế xã, tôi cho rằng không thoả đáng bởi thẩm quyền quyết định do ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng đề án trình ban thường vụ, hội đồng nhân dân thông qua. Dù có nhập hai xã vào thì các điểm trạm vẫn có thể duy trì được và nó qua một trạm, một dấu thôi.

Phản ánh những vướng mắc của địa phương từ việc khảo sát thực tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ cho rằng với địa bàn vùng cao, vùng biên giới, đi lại còn khó khăn, dân cư thưa thớt, số lượng biên chế của ngành y tế tính theo mật độ dân cư, do vậy việc duy trì các điểm trạm đang gặp khó khăn.

Bà NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THUỶ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Biên chế như thế thì không thể nào chia thành hai nơi để mà làm việc được, giáo dục thì chỉ cần 1 giáo viên đứng lớp, nhưng ngành y thì có vị trí việc làm riêng, y sĩ không thể làm thay bác sỹ được, về mặt biên chế là họ có khó khăn”.

Đoàn giám sát cũng đề nghị các cơ quan cần nghiên cứu tổ chức các trạm y tế theo phạm vi khả năng phục vụ tương tự như đối với việc tổ chức các trường học phổ thông, nhất là tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo, vùng có yêu cầu quan trọng về quốc phòng, an ninh - những nơi chưa có dịch vụ y tế xã hội hóa để thay thế cho các dịch vụ công. Trước mắt, tùy tình hình thực tế quy mô dân số, diện tích tự nhiên, đặc thù địa bàn…  có thể tiếp tục cho duy trì đồng thời 2 hay nhiều trạm y tế đặt ở các vị trí đã có trước khi thực hiện sắp xếp, không giảm đồng loạt về mức chỉ có 1 trạm y tế/1 đơn vị hành chính cấp xã một cách cứng nhắc như hiện nay.

Anh Đức