• 2723 lượt xem
  • 03:48 14/04/2022
  • Xã hội

Xe đạp công cộng: Muốn phát triển, cần giải bài toán an toàn

Sau hơn 3 tháng triển khai thí điểm xe đạp công cộng, tới nay người dân TP. HCM đã tiếp cận dịch vụ thuận lợi. Có khoảng trên 100.000 khách hàng đăng ký sử dụng, mỗi ngày có trên 1.400 chuyến đi. Tuy nhiên, để phát triển được mô hình này, vẫn cần một lời giải cụ thể và hợp lý.

Đường hẹp, mật độ lưu thông cao, nhiều phương tiện giao thông, rất dễ xảy ra va chạm với người đi xe đạp khi lưu thông trên một số tuyến đường. Hà Nội hiện có hàng trăm ngõ hẻm, dân cư đông. Nhiều người dân hào hứng đón nhận mô hình xe đạp công cộng nhưng họ vẫn e ngại vì độ an toàn khi phải đi chung đường, đặc biệt là những đoạn đường dài với xe buýt, ôtô.

Bạn ĐÀO VĂN NGHĨA, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội: "Tôi rất mong muốn dự án có thêm làn đường để người đi xe đạp di chuyển thuận tiện hơn, an toàn hơn". 

Bà LÊ KIM HIỀN Quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội: “Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới chủ yếu phát triển đi xe đạp, ô tô chứ không có xe máy. Nên có phương án làm làn đường riêng dành cho xe đạp, vì nhiều khi còn có trẻ nhỏ, người già đi ở phía ngoài là rất nguy hiểm”. 

Theo dự thảo đề án “Xe đạp đô thị” vừa được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện, dự án có mục tiêu đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện, kết nối giữa các phương tiện công cộng với khu dân cư, trụ sở văn phòng.

Ông NGUYỄN TUYỂN, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội: “Chúng tôi nhận thấy đề án này phù hợp với chủ trương từ Trung ương tới Thành phố. Và các địa phương về cơ bản cũng đồng thuận với đề án này. Bản thân mỗi người khi tham gia giao thông cũng phải tuân thủ các quy định luật giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn cho mình và người khác”. 

Tiến sỹ PHAN LÊ BÌNH, Chuyên gia giao thông: “Phương tiện cơ giới ô tô, xe máy hầu như không có khái niệm nhường đường cho người đi xe đạp. Một khi đi xe đạp va chạm với ô tô hay xe máy thì khả năng người đi xe dạp sẽ bị thương tích nhiều hơn. Nên vẽ làn dường ưu tiên có ký hiệu xe đạp dưới lòng đường để người dân quen với việc xe đạp được ưu tiên”. 

Theo dự kiến, giai đoạn 1, sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, bố trí tại 82 vị trí, thực hiện từ quý II 2022 đến 2023. Giai đoạn 2, từ 2023 đến 2024, sẽ đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm.
 

Kim Yến