Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Phải tự chủ quyết định các vấn đề của mình vì lợi ích quốc gia

Chiều 14/7, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng ban Ban Chỉ đạo; Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Phó trưởng Ban chỉ đạo đồng chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Cùng dự có các đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng nhận thấy, thời gian qua, thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo, đồng chí Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội thực hiện rất nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, bài bản, khoa học, xây dựng 4 chuyên đề quan trọng, có ý nghĩa nền tảng cho việc xây dựng Đề án cũng như đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương triển khai các công việc chung. Đảng đoàn Quốc hội đã thành lập 4 Tiểu ban do đồng chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội làm Trưởng tiểu ban để trực tiếp chỉ đạo xây dựng từng chuyên đề rất công phu, chặt chẽ. Đảng đoàn Quốc hội và các Tiểu ban đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm, tổ chức xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt có chuyên đề được các đồng chí rất cầu thị gửi xin ý kiến các đồng chí nguyên Chủ tịch Quốc hội, như chuyên đề số 11 về đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, cũng như xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học.

Chủ tịch nước NGUYỄN XUÂN PHÚC :"Chúng tôi đánh giá cao chất lượng của các chuyên đề mà Quốc hội đã trình Thường trực Ban Chỉ đạo. Chúng tôi gọi 4 chuyên đề này là nền tảng, có ý nghĩa lớn lao về vai trò của Quốc hội trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ rất tâm huyết, trách nhiệm, đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của Phó trưởng ban Chỉ đạo, đã có rất nhiều ý kiến tham gia, góp ý kiến nhiều vấn đề lớn của đề án. Tổ biên tập đã nghiêm túc tiếp thu rất nhiều các ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí Phó chủ tịch Quốc hội. Qua theo dõi những hoạt động Quốc hội, tôi đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ XV." 

Tại buổi làm việc, các đại biểu, chuyên gia đã tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội gồm: nhận thức nội hàm “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; việc đổi mới Quốc hội theo hướng Quốc hội hoạt động thường xuyên; thành lập thiết chế bảo vệ Hiến pháp; thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia; tổ chức Tòa án, thẩm quyền xét xử không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; đổi mới tổ chức hoạt động của Viện Kiểm sát; tiếp tục thu gọn đầu mối cơ quan điều tra; tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của cơ quan thi hành án; đổi mới cơ chế phân cấp, phân quyền trong bộ máy nhà nước.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Thường trực Ban Chỉ đạo đã tổ chức thêm các hội nghị lấy ý kiến của các cơ quan về dự thảo Đề án. Để chuẩn bị cho Hội nghị lần này, Đảng đoàn Quốc hội đã tổ chức lấy ý kiến của từng thành viên. Nhưng vì đây là vấn đề rất lớn, rất khó nên Đảng đoàn Quốc hội cũng mới chỉ có ý kiến bước đầu và sẽ có văn bản chính thức gửi Thường trực Ban Chỉ đạo. Theo Chủ tịch Quốc hội đến nay dự thảo Đề án đã tiếp thu, chỉnh lý cơ bản hoàn chỉnh, bảo đảm chất lượng theo đúng tính chất của một đề án chính trị pháp lý trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Đảng đoàn Quốc hội cũng như cá nhân tôi đánh giá rất cao công tác chuẩn bị xây dựng Đề án. Đề án được chuẩn bị rất công phu, rất kỹ lưỡng và cũng rất thận trọng. Thường trực Ban Chỉ đạo, trực tiếp là đồng chí Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đã chỉ đạo rất sát sao, tổ chức bài bản việc nghiên cứu, biên tập nội dung; huy động sự tham gia đông đảo của các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học hàng đầu của cả nước; tổ chức được nhiều hội thảo, tọa đàm, hội nghị lấy ý kiến 63 tỉnh ủy, thành ủy ở 3 miền Bắc, Trung, Nam; lựa chọn nội dung làm việc, trao đổi sâu với một số cơ quan Trung ương. Điều này thể hiện Ban Chỉ đạo rất cầu thị, rất lắng nghe, xác định đây là Đề án rất quan trọng".

Với các chuyên đề được phân công, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã nghiêm túc triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nhiều nội dung trong các chuyên đề do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng và ý kiến của các thành viên Đảng đoàn tại các hội thảo, tọa đàm của Ban Chỉ đạo đến nay đã được tiếp thu, thể hiện trong dự thảo Đề án. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, từ nay đến khi trình Ban Chấp hành Trung ương vẫn còn điều kiện để nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sâu hơn để bảo đảm chất lượng dự thảo Đề án. Nêu một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì trước hết Nhà nước phải đáp ứng các đặc trưng phổ quát của Nhà nước pháp quyền và phải thể hiện được những đặc trưng riêng của “pháp quyền CNXH Việt Nam”. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế là hết sức quan trọng nhưng cũng không thể “nhập khẩu” một cách máy móc được, cuối cùng, người Việt Nam phải tự chủ quyết định các vấn đề của mình để đáp ứng tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến thảo luận dân chủ, thẳng thắn; đánh giá cao công tác chuẩn bị của Đảng đoàn Quốc hội, Tổ biên tập. Đến nay, Ban chỉ đạo, Tổ biên tập và Đảng đoàn Quốc hội đã đạt được sự đồng thuận rất cao về nhiều vấn đề.

Chủ tịch nước đề nghị thống nhất trong nhận thức về “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội”. Chủ tịch Nước đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu thật kỹ lưỡng các ý kiến phát biểu tại hội nghị; trên cơ sở có căn cứ lý luận, khoa học, thực tiễn, có lập luận đầy đủ, rõ ràng, thuyết phục để chỉnh sửa dự thảo đề án, báo cáo Ban chỉ đạo trong Phiên họp lần thứ tư../. 

Thùy Linh