Xây cầu Mã Đà qua Khu bảo tồn: Bình Phước muốn, Đồng Nai "có tính toán hướng tuyến khác"

Mới đây, tỉnh Bình Phước đã đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường tỉnh 753 và xây dựng cầu Mã Đà để kết nối với tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, việc này đã gây ra nhiều lo ngại đến tác động môi trường, đặc biệt là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới được UNESCO công nhận năm 2011.

Phóng viên: Thưa quý vị và các bạn, tôi đang đứng tại điểm cầu Rang Rang (Mã Đà), bên tay trái của tôi là tỉnh Bình Phước, đã có tuyến đường hiện hữu cách đây 300m. Bên tay phải của tôi là rừng nguyên sinh, thuộc Khu bảo tồn tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường này đang được lập kế hoạch xây dựng nhưng có nhiều ý kiến vì lo ngại sẽ ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận.

Năm 2021, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai. Địa phương đặt mục tiêu hạn chế phát triển dân cư trong khu bảo tồn, xây dựng tuyến đường ven hồ Trị An, thay thế tuyến đường ĐT761 xuyên qua vùng lõi khu vực rừng bảo tồn. Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ phê duyệt phương án mở rộng đường tỉnh ĐT753 và xây dựng cầu Mã Đà kết nối với tỉnh Đồng Nai.

Ông NGUYỄN HỮU PHƯỚC, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai: “Làm tuyến đường này sẽ chia cắt, phân mảnh rừng, xuyên qua vùng lõi. Chắc chắn lượng phương tiện sẽ đông hơn, các hoạt động của con người sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến hoạt động di chuyển tự nhiên của động vật hoang dã cũng như công tác quản lý bảo vệ rừng. Ngoài ra, với các quy định của Nhà nước về quản lý lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học, việc xây tuyến đường đi qua vùng lõi rừng đặc dụng cũng không phù hợp với các quy định”.

Theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Phước, cầu Mã Đà thiết kế có chiều rộng 11m, dài 90m, đi qua sông Mã Đà thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 753, nối đường 761 thành quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu bảo tồn.

Ông LÊ NGỌC MINH, Phó Trưởng ban Nội chính tỉnh Đồng Nai: "Các bộ ngành có giải pháp như thế nào, nếu có những tác động không tốt sẽ giảm thiểu tốt nhất với mục đích phát triển có tính đồng bộ và lợi ích kinh tế sẽ tốt hơn những thiệt hại nếu xảy ra."

Ngoài ra, quốc lộ 13C còn chia cắt rừng thành nhiều vùng riêng biệt. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái và các loài động vật, đặc biệt là các loài quý hiếm cần bảo tồn trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới.

Ông VÕ TẤN ĐỨC, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai: "Bên Bình Phước trước đây là rừng nhưng đã phá hết rồi, đã làm đường đến khu vực đó luôn rồi, chủ yếu chờ Đồng Nai bắc cầu. Đồng Nai cũng có tính toán một hướng tuyến khác, không đi qua rừng sinh quyển này."

Hiện tỉnh Đồng Nai đang nghiên cứu và sẽ đề xuất phương án kết nối giao thông vùng. Cụ thể, đấu nối vào tuyến vành đai 4 đi cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phương án này sẽ không đi qua khu bảo tồn, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ.

Tăng Sắc