Xác lập "cột mốc mới" trong quan hệ Trung Quốc và A-rập Xê-út

Một trong những sự kiện quốc tế đang thu hút sự chú ý của giới quan sát là chuyến công du A-rập Xê-út của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Với nhiều thỏa thuận được ký kết, chuyến công du của ông Tập Cận Bình xác lập một “cột mốc mới” cho quan hệ A-rập - Trung Quốc và tác động không nhỏ đến cán cân quyền lực ở Trung Đông.

Trong khuôn khổ chuyến thăm A-rập Xê-út của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, A-rập Xê-út và Trung Quốc đã ký kết 35 thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá gần 30 tỷ USD thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Các thỏa thuận được ký kết trước sự chứng kiến của Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud và Chủ tịch Tập Cận Bình, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực củng cố nền kinh tế trước những tác động của đại dịch COVID-19 và A-rập Xê-út tiếp tục đa dạng hóa các liên minh kinh tế và chính trị phù hợp với kế hoạch "Tầm nhìn 2030" của quốc gia Trung Đông này.

Chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra vào một thời điểm và bối cảnh có thể nói là có lợi cho Trung Quốc. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có xu hướng “thu hẹp chiến lược” trong chính sách đối với Trung Đông, thể hiện qua việc rút quân khỏi Afghanistan và Syria. Quan hệ giữa Saudi Arabia và Mỹ gia tăng căng thẳng trong nhiều vấn đề, từ chính sách năng lượng đến an ninh khu vực và nhân quyền.

Trên thực tế, Trung Quốc vẫn luôn duy trì mức độ quan tâm chiến lược cao đối với khu vực Trung Đông và các quốc gia A-rập, nhưng trong vài thập kỷ qua Bắc Kinh dường như không có nhiều cơ hội để biến mối quan tâm này thành hiện thực. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng coi trọng bố cục chiến lược tổng thể với các quốc gia Hồi giáo ở Trung Đông, hàng năm hai bên đều tổ chức các cuộc trao đổi trên nhiều lĩnh vực, bao gồm các cuộc họp cấp bộ trưởng định kỳ. Có thể thấy, Trung Quốc đang đem đến cho A-rập nhiều sự lựa chọn hơn trong hợp tác trên các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác kinh tế thương mại, phát triển khoa học công nghệ.

Ngọc Anh