Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa quy định vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Sáng 01/04 , Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Các ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật Thanh tra cần phải thu gọn đầu mối tổ chức cơ quan thanh tra để khắc phục sự dàn trải, thiếu tập trung và tình trạng chống chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra.

Thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Thanh tra (sửa đổi), tuy nhiên các đại biểu cho rằng việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này cần bảo đảm quan điểm thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Một số ý kiến cho rằng dự thảo để khá nhiều khe “hở” về mặt thời gian, thời hạn đối với người ra quyết định thanh tra. Điều này gây ra tình trạng mất cân đối trong quá trình thanh tra, bởi nếu người ra quyết định thanh tra làm nhanh thì các bộ phận thực hiện sẽ có thời gian để thực hiện đầy đủ, chặt chẽ. 

Đa số các ý kiến cũng cho rằng tổ chức thanh tra còn nhiều tầng nấc, dẫn đến chồng chéo, trùng lắp trong thực hiện công vụ; chưa có sự phân định thật rõ ràng cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa thanh tra và các cơ quan có chức năng tương đồng về kiểm tra, giám sát, gây khó khăn cho đối tượng thanh tra, cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, dự án luật lần này cần phải thu gọn đầu mối tổ chức cơ quan thanh tra để khắc phục sự dàn trải, thiếu tập trung và tình trạng chống chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra. 

Nhấn mạnh Luật Thanh tra hiện hành và dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa đề cập đến vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động thanh tra, đề nghị Luật Thanh tra cần lưu ý xác định vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc đối với công tác thanh tra, nhất là chức năng, hoạt động giám sát của Mặt trận đối với công tác này. Đồng thời, Dự thảo Luật cần quy định trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, của người ban hành kết luận và đối tượng thanh tra trong thực hiện kết luận thanh tra; về quyền yêu cầu và trách nhiệm báo cáo về kế hoạch và kết quả thực hiện kết luận thanh tra./.

Hương Diệp