Xác định tiêu chí nhà đầu tư chiến lược giúp phát triển Khu kinh tế Vân Phong

Thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, đại biểu đề nghị cần có chính sách hấp dẫn, khả thi hơn về phát triển Khu kinh tế Vân Phong. Trong đó mở rộng điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao tính khả thi trong thu hút nguồn lực, có chính sách ưu đãi khác biệt, phù hợp cho từng lĩnh vực đầu tư để tạo đột phá cho phát triển.

Đối với cơ chế, chính sách phát triển kinh tế Vân Phong, Đại biểu Tô Văn Tám nêu quan điểm,  Bộ Chính trị đã xác định trong Nghị quyết 09 là phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ. Tuy nhiên kể từ khi thành lập đến nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù.

Ông TÔ VĂN TÁM - Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Khu kinh tế Vân Phong kể từ khi thành lập theo Quyết định 92 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ đến nay chưa có cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển, trong khi đó khu kinh tế Phú Quốc, Vân Đồn đều có cơ chế chính sách đặc thù. Bởi vậy, cần có chính sách đặc thù cho Khu kinh tế Vân Phong phát triển”.

Ông NGÔ TRUNG THÀNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk:Đặc thù cơ sở hạ tầng của Khu kinh tế Vân Phong còn hạn chế, để có thể phát triển nhanh, mạnh, đồng bộ và trong thời gian ngắn thì rất cần phải có chính sách ưu đãi đủ hấp dẫn để thu hút được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực kinh tế mạnh đầu tư. Vì vậy, tôi nhất trí với quy định về nhà đầu tư chiến lược với các tiêu chí, điều kiện được định lượng cụ thể”.

Tuy nhiên về quy định tiêu chí tài chính cụ thể đối với các nhà đầu tư chiến lược, có ý kiến cho rằng quy định như trong dự thảo nghị định là khó khả thi.

Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình:Dự thảo nghị quyết đưa ra các tiêu chí về tài chính như vốn điều lệ là 10.000 tỷ đồng trở lên, hoặc tổng tài sản 25.000 tỷ đồng rất khó khả thi. Cho rằng số doanh nghiệp trên 10.000 tỷ đồng là đếm trên đầu ngón tay. bên cạnh đó có lĩnh vực chỉ 500 tỷ đồng theo tôi quy mô như vậy nhỏ. Nhà đầu tư chiến lược phải có quy mô tầm cỡ nào đó và có bề dày kinh nghiệm trong đầu tư".

Ông LÊ VĂN THÌN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên: “Đầu tư khu đô thị, dịch vụ du lịch nếu có đủ năng lực tài chính thì có thể làm được tốt. Nhưng nếu chúng ta có nhiều kinh nghiệm cho tất cả các loại hình, ngành nghề, vô hình chung chúng ta đưa khu trú vào một nhóm doanh nghiệp, làm mất cơ hội đối với các doanh nghiệp khác, các tiềm năng về tài chính"

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vân Phong có một vị trí rất đặc biệt thế nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ, trong khi đang rất cần có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược, có tính lan tỏa, dẫn dắt, đột phá. Vì vậy dự thảo nghị quyết đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn.

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Về các chính sách ưu đãi áp dụng bình thường đúng như quy định của Điều 15 Luật Đầu tư, cũng như các điều kiện của các nhà đầu tư trong các khu kinh tế. Ngoài ra, có hai cái chính sách bổ sung thêm là được trừ phần trăm chi phí cho nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu đãi, ưu tiên về các thủ tục hải quan, thuế trong với hàng hóa xuất nhập khẩu”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu cần có cam kết về bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư chiến lược để bổ sung dự thảo Nghị quyết./.

Công Tràng