Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đang ở nút "tạm dừng", đại biểu đưa giải pháp để "khởi động" lại

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, sáng 13/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Cho ý kiến dự án Luật này nhiều đại biểu cho rằng tiến trình xã hội hoá trong lĩnh vực y tế hiện nay đang đặt ở "nút tạm dừng". Cần sớm bổ sung, sửa đổi quy định cụ thể về liên doanh, liên kết trong các văn bản luật, đặc biệt là Luật Khám, chữa bệnh.

Lật lại vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai về việc ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỉ lên 39 tỉ đồng đã làm lợi cho một nhóm người nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ đoàn Bắc Kạn khẳng định việc triển khai xã hội hoá, liên doanh liên kết trong ngành y có nhiều bất cập.

Bà NGUYỄN THỊ THUỶ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Hiện nay, tiến trình xã hội hoá trong lĩnh vực y tế đang đặt ở nút tạm dừng. Các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có dự thảo Luật Khám chữa bệnh". Kiến nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh những nguyên tắc đặc thù của xã hội hoá trong lĩnh vực y tế, kiến nghị bổ sung cơ chế kiểm soát để ngăn chặn sự biến tướng, chống lợi ích nhóm; kiến nghị bổ sung các cơ chế khuyến khích để triển khai xã hội hóa, liên doanh, liên kết ở những địa phương, những vùng còn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Một số đại biểu cũng cho rằng trong dự thảo luật không có gì mới, chủ yếu các quy định mang tính nguyên tắc, chưa làm rõ được cơ chế huy động thu hút nguồn lực xã hội .

Bà TRẦN THỊ NHỊ HÀ - Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: Khoản 3 Điều 90 của Dự thảo Luật chưa thực sự phù hợp bởi thực tế sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định 151 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, các hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực y tế rất vướng mắc, khó khăn do các văn bản pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công của Nhà nước hiện nay chưa phù hợp với đặc thù của ngành y tế. Tôi đề nghị luật hóa các hình thức xã hội hóa cụ thể trong Dự thảo Luật hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.”

Liên quan đến vấn đề xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, vấn đề này cần phải có các giải pháp đột phá.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Hiện nay, mới có 318 bệnh viện tư thục, 38 nghìn phòng khám tư nhân, đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh. Đây là một tỷ lệ rất thấp, chúng ta cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn. Vấn đề về liên doanh, liên kết trong bệnh viện công lập, đây là đặc thù với Việt Nam, thực sự rất khó có thể nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để áp dụng vào Việt Nam bởi ở các nước thì “công là công, tư là tư” khi đã liên doanh, liên kết với tư nhân nghĩa là phải hạch toán theo tư nhân, theo chế độ. Ở Việt Nam chúng ta phải có đặc thù này."