Vụ xây cổng chắn lối đi dân sinh ở Hòa Bình: Chủ tịch UBND tỉnh cần điều chỉnh dự án, đảm bảo quyền lợi người dân lẫn DN

Liên quan tới vụ doanh nghiệp xây cổng chắn lối đi dân sinh ở Hòa Bình, để tìm hiểu việc xây dựng của doanh nghiệp có đảm bảo tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật hay đây là đường dân sinh của bà con, nhóm phóng viên của Truyền hình Quốc hội đã vào cuộc, điều tra, làm rõ.

Ngày 21/3/2022, Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản số 2099, nêu rõ “Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo Công ty TNHH Hoan Phúc Hòa Bình tháo dỡ cổng chắn trước ngày 31/3/2022”; giao Sở KH&ĐT điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư và Sở TN&MT rà soát, trình điều chỉnh diện tích đường giao thông vào dự án; đồng thời, giao UBND huyện Lương Sơn giám sát công ty này tháo dỡ cổng chắn nếu không thực hiện thì tổ chức cưỡng chế theo quy định.

Bà NGUYỄN THỊ HỢP, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình: “Việc xây dựng lối đi của họ xuất phát từ các quyết định cho phép chuyển mục đích của UBND tỉnh Hòa Bình đối với Công ty Hoan Phúc và Phòng Tài nguyên Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện có văn bản kiến nghị với UBND tỉnh điều chỉnh quyết định chuyển mục đích.”

Ông DOÃN QUANG HƯNG, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình: “Thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Lương Sơn cùng nhà đầu tư họp bàn, trong đó trao đổi về việc cần phải rà soát, xác định điều chỉnh quyết định đầu tư. Xác định xem phần diện tích đất để làm đường giao thông vào dự án nằm trong dự án đường nội bộ thuộc dự án hay là đường giao thông để phục vụ đi chung, vì trong quyết định chủ trương đầu tư chưa xác định rõ ràng vấn đề này.”

Dự án “Trồng hoa lan nông nghiệp công nghệ cao” do Công ty TNHH Hoan Phúc Hòa Bình làm chủ đầu tư được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt từ năm 2019 với tổng diện tích 81.261 m2, trong đó có hơn 8.353 m2 là đường giao thông vào dự án.  

Bà BÙI THỊ VIỆT, Giám đốc Công ty TNHH Hoan Phúc Hòa Bình: “Chúng tôi xây dựng cái cổng đấy trên nền đất chúng tôi đã mua lại của người dân hợp pháp và chúng tôi bảo vệ nền đất đấy cùng tài sản chúng tôi đầu tư vào con đường đấy. Chúng tôi đã gửi đơn cho Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Sở Tài nguyên rà soát, xác định lại nguồn gốc đất.”

Luật sư BÙI THẾ VINH, Trưởng Văn phòng Luật sư Thái Minh: “Trường hợp UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu chuyển con đường này thành con đường công cộng do địa phương quản lý thì phía Công ty Hoan Phúc phải có đề nghị yêu cầu tỉnh hoàn lại kinh phí đầu tư vào con đường này. Tôi nghĩ như vậy là thỏa đáng. Như vậy, Hoan Phúc đã hợp tác để giải quyết. Còn nếu biến tài sản của Công ty Hoan Phúc thành tài sản công mà không có quyền lợi của Hoan Phúc ở đấy thì không đảm bảo cho quyền lợi, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.”

Để giải quyết nút thắt này, Chủ tịch UBND tỉnh cần có hướng giải quyết dứt điểm trong việc điều chỉnh dự án để đảm bảo việc đi lại của người dân, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Như Huỳnh