Vụ tai nạn máy bay Boeing tại Trung Quốc: Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc gửi điện thăm hỏi Chủ tịch Tập Cận Bình

Hôm 22/03, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin lực lượng cứu hộ không tìm được người nào sống sót sau vụ rơi chiếc máy bay chở 132 người ở vùng đồi núi miền Nam nước này ngày hôm qua.

Trong khi đó, Văn phòng đại diện Boeing tại Trung Quốc hôm nay cho biết tập đoàn sản xuất máy bay của Mỹ đang hợp tác với hãng hàng không China Eastern Airlines hỗ trợ điều tra vụ tai nạn.

Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, song chưa đưa ra bất cứ thông báo chính thức về nạn nhân thương vong. Trong khi đó, Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cũng kích hoạt cơ chế khẩn cấp và cử đội công tác đến hiện trường nhằm đẩy nhanh công tác tiếp tục tìm kiếm cứu nạn và làm rõ nguyên nhân tai nạn. 

Hãng hàng không China Eastern cho biết đang tiến hành điều tra và còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân vụ tai nạn. Giám đốc điều hành nhà sản xuất máy bay Boeing Dave Calhoun cũng khẳng định sẵn sàng đề hỗ trợ toàn diện cuộc điều tra. China Eastern Airlines cũng đã thông báo tạm dừng khai thác tất cả máy bay thuộc dòng Boeing 737-800 của hãng sau vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng này. 

Giá cổ phiếu của Boeing và các nhà cung cấp linh kiện cho hãng sản xuất máy bay của Mỹ này đều giảm mạnh sau vụ tai nạn máy bay. Cơ quan hàng không liên bang Mỹ cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ cho cuộc điều tra của Trung Quốc nếu được đề nghị. 

Ông ROBERT SPINGARN, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Melius tại Mỹ: Đây là một thảm kịch. Từ khía cạnh của các nhà đầu tư, câu hỏi quan trọng hiện nay đó là nguyên nhân xảy ra tai nạn là gì. Chính quyền Trung Quốc bắt đầu điều tra. Theo như tôi biết, Tập đoàn Boeing sẽ hợp tác. Cơ quan hàng không liên bang Mỹ cũng sẽ hỗ trợ nếu được đề nghị để tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn của chiếc máy bay.

Dòng máy bay Boeing 737-800 được đánh giá có lịch sử bay khá an toàn và chiếc máy bay gặp nạn mới được đưa vào sử dụng 6 năm. Theo các chuyên gia phân tích, máy bay rơi xuống một khu vực rừng núi, chứ không phải trên biển, nên việc khôi phục dữ liệu hộp đen ghi âm buồng lái sẽ dễ dàng hơn, cung cấp dữ liệu quan trọng về những gì đã xảy ra đối với chuyến bay này. Hệ thống theo dõi hành trình bay ghi nhận tín hiệu chiếc máy bay  lần cuối vào lúc 14h22' (giờ địa phương) ở độ cao hơn 983 m, với vận tốc hơn 696 km/h./.

Được tin chiều ngày 21/3/2022, máy bay mang số hiệu MU5735 của Hãng hàng không Phương Đông Trung Quốc chở 132 người đã không may gặp nạn tại thành phố Ngô Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, ngày 22/3/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện thăm hỏi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện thăm hỏi đến Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Khắc Cường. Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đã gửi điện thăm hỏi tới Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị./.

UKRAINE TIẾP TỤC ĐƯA RA YÊU CẦU ĐÀM PHÁN VỚI NGA

Tổng thốngUkraine Volodymyr Zelenski vừa nhắc lại đề xuất đàm phán trực tiếp với Tổng thống Nga Vldimir Putin, trong bối cảnh xung đột giữa hai nước sắp bước sang tháng thứ 2 và vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng cho rằng, chỉ có đàm phán trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin mới có thể chấm dứt xung đột hiên nay. Ông đồng thời nhấn mạnh, bất kỳ thỏa thuận nào về đảm bảo an ninh cũng phải được đưa ra trưng cầu ý kiến của người dân.

 Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY: Tôi tin rằng cho đến khi chúng tôi có cuộc gặp với Tổng thống Liên bang Nga, sẽ không thể thực sự hiểu được họ chuẩn bị gì để ngăn chặn giao tranh này, và họ sẽ làm gì nếu chúng tôi chưa sẵn sàng thỏa hiệp.

Trước đó, Tổng thống Zelensky cũng đưa ra đề nghị tương tự, song nhấn mạnh Ukraine sẽ vạch ra  “lằn ranh đỏ” trong vấn đề lãnh thổ, bao gồm cả hai khu vực ly khai thân Nga. Ông gợi ý rằng Jerusalem có thể là địa điểm tổ chức đàm phán hòa bình với Tổng thống Putin.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch đặc biệt tại miền Đông Ukraine, hai bên đã trải qua 3 vòng đàm phán trực tiếp và một số vòng đàm phán thông qua hội nghị truyền hình. Tuy nhiên, theo Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov, thảo luận vẫn chưa đạt được tiến triển đáng kể nào. 

Ông DMITRI PESKOV, Người phát ngôn Điện Kremlin: Tiến triển của các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine không như mong đợi. Nga đang thể hiện sự sẵn sàng hơn so với phía Ukraine trong việc hướng tới một thỏa thuận. Vì vậy, còn quá sớm để nói về cuộc gặp giữa hai Tổng thống. Để xây dựng cơ sở cho một cuộc gặp như thế, vẫn cần phải đạt được những tiến bộ đáng kể trong cuộc đàm phán.

Theo ông Peskov, chỉ có thể thảo luận về cuộc gặp giữa hai Tổng thống khi hai bên đã nhất trí với các kết quả đàm phán. Theo thông tin, phía Ukraine cho biết một lệnh ngừng bắn, rút quân đội và các đảm bảo an ninh nghiêm ngặt dưới dạng thức đặc biệt là những yêu cầu chính mà Ukraine đưa ra trong các cuộc đàm phán hòa bình với Nga, tuy nhiên Moscow cáo buộc Kiev làm đình trệ các nỗ lực hòa bình khi đưa ra những đề xuất không thể chấp nhận./.

MỸ VÀ EU  NỖ LỰC TÌM KIẾM GIẢI PHÁP CHO XUNG ĐỘT NGA - UKRAINE

Trong một diễn biến liên quan, Mỹ và Liên minh châu Âu đã khởi động một loạt nỗ lực ngoại giao trong tuần này nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, với những hệ lụy ngày một sâu rộng.

Các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ, khởi động một loạt nỗ lực ngoại giao trong tuần này nhằm chấm dứt xung đột. Từ chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay cuộc họp của Hội đồng châu Âu, tất cả đều nhằm thống nhất phản ứng của phương Tây đối với cuộc xung đột tại Ukraine, cũng như mối quan hệ với Nga.

 Bà JEN PSAKI, Thư ký báo chí Nhà Trắng: Tổng thống Joe Biden đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Ialia và Anh (trước chuyến thăm châu Âu) về mối quan ngại đối với tình hình Ukraine hiện nay. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự ủng hộ liên tục đối với Ukraine, bao gồm việc cung cấp hỗ trợ an ninh, hỗ trợ nhân đạo cho hàng triệu người Ukraine chạy trốn khỏi bạo lực. Họ cũng xem xét các nỗ lực ngoại giao gần đây nhằm hỗ trợ nỗ lực của Ukraine để đạt được một lệnh ngừng bắn.

 Cuộc chiến tại Ukraine sắp bước sang tháng thứ hai. Mỹ và các đồng minh phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Moscow, làm tê liệt đồng rúp và thị trường chứng khoán. Những bước bổ sung có thể là gì vẫn chưa rõ ràng, khi Mỹ và các đồng minh châu Âu vẫn đang đau đầu về những hệ lụy của các lệnh trừng phạt, cũng như nguy cơ tiềm tàng của một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn nếu mở rộng hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Nếu như các biện pháp trừng phạt đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga, thì Mỹ và đặc biệt là châu Âu, vốn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng của Nga, cũng không dễ dàng hơn. Mỹ và Anh đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi một lệnh cấm rộng rãi hơn của các nước EU được dự báo sẽ đánh dấu một sự leo thang lớn không chỉ làm tổn thương Moscow, mà cả người tiêu dùng phương Tây./.

GIÁ DẦU THẾ GIỚI TIẾP TỤC TĂNG MẠNH

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh có tin Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc một lệnh cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

 Theo đóm Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 4 đã tăng 7,1% lên 112,12 USD/thùng trên thị trường New York. Dầu Brent giao tháng 5 cũng tăng 7,1%, lên 115,62 USD/thùng trên thị trường London. 

Trong báo cáo hằng tháng mới được công bố, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định "nguy cơ gián đoạn sản xuất dầu của Nga có thể gây ra một cú sốc nguồn cung dầu mỏ toàn cầu". Dự kiến, hội nghị thượng đỉnh sắp tới của EU sẽ tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến năng lượng./.

THẾ GIỚI TRƯỚC KHẢ NĂNG ĐỐI MẶT VỚI LÀN SÓNG DỊCH COVID-19 MỚI

Sau hơn 1 tháng ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 giảm, con số này lại đang có xu hướng gia tăng trên khắp thế giới. Tại Mỹ và châu Âu, giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo về làn sóng dịch mới có thể xuất hiện trong vài tuần tới, khiến cho nỗ lực mở cửa đưa cuộc sống trở lại bình thường của những nước này gặp trở ngại. 

Tổ chức Y thế giới từng đề cập rằng giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc trong năm nay, nhưng nó còn phụ thuộc vào việc thế giới có nhanh chóng đạt được hay không mục tiêu tiêm vắc xin cho 70% dân số ở các quốc gia hay không. Tuy nhiên, Châu Âu đang lo ngại về làn sóng dịch Covid-19 thứ 6 sau khi các biện pháp hạn chế phòng dịch được nới lỏng quá sớm. Nhiều quốc gia châu Âu như Áo, Hà Lan, Thụy Sĩ, Italia tuần qua thông báo số ca dương tính và số ca nhập viện tăng mạnh. Trong khi đó tại châu Á, một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Australia hiện đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng, với số ca mắc mới tăng mạnh, gây áp lực không nhỏ cho hệ thống y tế.

Ông TEDROS ADHANOM GHEBREYESUS, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới: Virus vẫn tiếp tục phát triển, trong khi chúng ta vẫn còn nhiều trở ngại trong việc phân phối vaccine, xét nghiệm và phương pháp điều trị ở những nơi cần thiết. Đại dịch vẫn chưa kết thúc - và nó sẽ không kết thúc ở bất cứ đâu cho đến khi nó kết thúc trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo, trong vài tuần tới, số ca mắc mới Covid-19 ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây. Dự báo này căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi mà những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.

Tiến sĩ ANTHONY FAUCI, cố vấn y tế Nhà Trắng: Cách tốt nhất là để không gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 là đưa mọi người đi tiêm chủng. Đối với những người đã tiêm 2 mũi thì tiêm thêm mũi tăng cường cho họ. Đây là những việc chúng ta nên làm khi ở vào tình hình của chúng ta như hiện tại.

Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, mọi quốc gia đang đứng cùng một chiến tuyến trong cuộc chiến với đại dịch. Đại dịch COVID-19 không phải là vấn đề của một vài quốc gia hay của một số người, mà đại dịch đã là một vấn đề toàn cầu nên các quốc gia cần làm việc cũng như hợp tác cùng nhau để đối phó với vấn đề chung này./

LHQ KÊU GỌI THẾ GIỚI NỖ LỰC HÀNH ĐỘNG ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU CHỐNG BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

LHQ vừa lên tiếng cảnh báo, các nhà lãnh đạo thế giới phải có kế hoạch rõ ràng để giảm lượng khí thải nhằm hạn chế sự nóng lên 1,5 độ C của Trái Đất trong vòng hai năm tới, nếu không các kế hoạch của năm 2050 có thể sẽ không còn phù hợp.

Tại phiên khai mạc cuộc họp nhóm công tác Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu của LHQ, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về khí hậu đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia  trên thế giới duy trì và thực hiện các cam kết về khí hậu đã đạt được.

Bà PATRICIA ESPINOSA, Thư ký điều hành công ước khung của LHQ về khí hậu: Nhân loại đang đứng trước ngã ba đường. Những năm 2020 là thập kỷ của hành động. Chúng ta chỉ còn lại 8 năm thôi. Kế hoạch trong dài hạn là rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, nếu các nhà lãnh đạo trên thế giới kể cả trong lĩnh vực công và tư nhân không đạt tiến triển và thiết lập 1 kế hoạch rõ ràng cho hành động khí hậu trong vòng 2 năm tới, kế hoạch cho năm 2050 có thể sẽ không còn phù hợp nữa.

Trước đó, tại hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Anh vào năm ngoái, các nước đã tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Pa-ri nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Để đạt mục tiêu này, lượng phát thải toàn cầu phải giảm 45% vào năm 2030 và về mức 0 vào năm 2050./.

Hồng Nhung