VSEF 2022: Sử dụng linh hoạt chính sách tài khoá và tiền tệ đối phó với những rủi ro hiện hữu và phục hồi kinh tế

Để hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô đúng như chủ đề của VSEF 2022, thì chính sách tiền tệ cần thận trọng với tỷ giá, kiên định với mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, các chuyên gia và nhà khoa học cũng cho rằng, chính sách tài khóa còn nhiều dư địa để nới lỏng.

Bàn về chính sách tài khóa thông qua các công cụ thuế, phí, đại diện Tập đoàn Masan cho biết trong suốt 2 năm qua, doanh nghiệp đã cố gắng để kiểm chế những ảnh hưởng của việc tăng giá. Nhiều chính sách của Quốc hội và Chính phủ đưa ra hỗ trợ doanh nghiệp giúp kiềm chế đà tăng giá như giảm giá xăng đầu hay thuế VAT là động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng.

Trước đề xuất của doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính và các chuyên gia cho rằng, các chính sách miễn giảm, hoãn thuế đã có tác động trực tiếp đối với tình hình kinh tế, đời sống người dân. Nhiều chính sách tài khóa, như gói chính sách tài chính hỗ trợ người lao động thuê nhà, gói hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai đem lại hiệu ứng tích cực.

 

Cho ý kiến về phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong bối cảnh mới, TS.VÕ TRÍ THÀNH , Nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, bất ổn địa chính trị ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, phần lớn các nước lựa chọn hy sinh tăng trưởng để kìm hãm lạm phát. Và giải pháp mà các nước lựa chọn, là thắt chặt chính sách và tăng lãi suất. Trong khi đó, Việt Nam lựa chọn vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, dựa nhiều vào chính sách tài khóa.

 

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các chính sách về thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội trong Kỳ họp sắp tới, để có công cụ linh hoạt ứng phó với các tình huống giá năng lượng, xăng dầu biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.