Vĩnh Phúc: Nông dân nhưng lại không thể làm ruộng, vì đâu?

Nhiều diện tích đất nông nghiệp ở xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc bị bỏ hoang hơn chục năm nay, không thể canh tác do không có đường vào, hệ thống tưới tiêu bị san phẳng sau khi khi đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành.

Dù đời sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng hơn 10 năm nay, gần một trăm hộ dân ở thôn Lương Câu, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên ngậm ngùi nhìn ruộng đồng bị bỏ không. Khoảng 8,3 ha đất nông nghiệp người dân được giao để canh tác bị ngăn cách sau khi nút giao IC 3, đường cao tốc Nội Bài- Lào Cai hoàn thành. Không có đường đi vào bên trong, hệ thống mương dẫn nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp từ lâu cũng đã không còn.

Ông NGUYỄN MẠNH DƯƠNG, Trưởng thôn Lương Câu, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc: "Trên dưới là gần 100 hộ dân, khoảng 87, 88 hộ nhà nhiều hơn 4 sào, nhà ít cũng 7,8 thước, thì các chị thấy xoá đói giảm nghèo, lại vừa covid xong, người dân bỏ biết bao nhiêu ruộng từ 2008 đến bây giờ vẫn bỏ hoang, dân không ra được để làm, không canh tác được."

Ông NGUYỄN VĂN LỢI, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc: "Một số diện tích có thể chuyển đổi hình thức phát triển tuy nhiên đến giờ chủ trương để thực hiện thì UBND tỉnh vẫn chưa có hướng để bà con triển khai thực hiện, cho nên cũng khó để thông tin đến bà con để thực hiện các dự án."

Cử tri nhiều lần đề nghị chính quyền xem xét giải quyết dưới hình thức thu hồi đất nông nghiệp đã bị bỏ hoang hoặc có phương án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tránh lãng phí. Tuy nhiên, Sở Tài Nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cho biết về phương án thu hồi đất, Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam VEC, đơn vị được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao nhiệm vụ phối hợp bồi thường trước đây cũng như UBND huyện Bình Xuyên hiện nay không đảm bảo được nguồn kinh phí thực hiện.

Ông HOÀNG VĂN ĐĂNG, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc: "Mặc dù luật cho phép là đối với diện tích xen kẹt, các hộ dân có thể trả lại đất cho nhà nước, để nhà nước có kế hoạch sử dụng nhưng mà để ứng tiền ra thì không có tiền. Do vậy, đề nghị tỉnh cho phép huyện đối với hộ naỳ không có nước, không có đường vào thì cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa, sang đất trồng cây lâu năm hoặc trồng đai xây xanh. Hoặc cho phép chuyển đổi dồn vào nhau để làm kinh tế trang trại."

Để giải quyết các tồn tại, tránh việc bỏ hoang, gây lãng phí đất nông nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, đưa ra phương án sử dụng đất có hiệu quả.

Bà HOÀNG THỊ THUÝ LAN, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc: "Sở Tài nguyên Môi trường thì bảo cái này không thu hồi mà đề nghị huyện có chuyển đổi mục đích sử dụng, mà huyện thì cũng chưa rõ ràng trong việc ai là người thực hiện cái này, tiền lấy ở đâu ra v.v…Tôi đề nghị là cái này liên quan đến Sở tài nguyên môi trường, UBND huyện, và cũng liên quan đến Sở tài chính, do vậy đề nghị UBND có chỉ đạo để 3 đơn vị này ngồi lại với nhau tham mưu, chỉ đạo và giải quyết, tránh tình trạng để quá lâu và gây lãng phí một nguồn lực."

Hiện nay, ngoài phần diện tích bên ngoài tiếp cận được một số hộ dân tận dụng, cải tạo và tiến hành sản xuất chăn nuôi, trồng trọt theo hình thức tự phát… Đa phần diện tích còn lại của 8,3 ha kẹt tại nút giao IC3 đều bỏ không. Nếu vẫn không có phương án giải quyết, hàng chục nghìn m2 đất ruộng vẫn tiếp tục bị cô lập, gây lãng phí.

Ngọc Tuấn