Việt Nam mất lợi thế cạnh trang khi áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu?

Theo đúng lộ trình mà Tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra, với sự đồng thuận của hơn 140 quốc gia, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ chính thức được áp dụng từ đầu năm 2024. Việc này có thể khiến Việt Nam không còn lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI.

Chính phủ cần nhanh chóng có giải pháp để ứng phó với chính sách mới này. Đây là nội dung được đưa ra tại hội thảo “ Thuế tối thiểu toàn cầu và những vấn đề đặt ra với Việt Nam” do tạp chí Nhà đầu tư tổ chức sáng 24/2.

Khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, các tập đoàn công ty lớn có tổng doanh thu từ 750 triệu euro trở lên sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ đặt trụ sở chính. Theo các chuyên gia, Việt Nam nếu chậm triển khai, thì ngân sách không chỉ bị mất khoản chênh lệch này, mà cùng với đó lợi thế cạnh tranh cũng bị ảnh hưởng.

Về vấn đề nội luật hoá các quy định thuế tối thiểu toàn cầu, Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, cần sớm thực hiện thu Thuế bổ sung theo các nguyên tắc của Trụ cột 2 nhằm đảm bảo lợi nhuận của các công ty đa quốc gia phải nộp ở mức thuế suất tối thiểu, trong trường hợp các khoản lợi nhuận đó được hưởng ưu đãi thuế hoặc không chịu thuế.

Các chuyên gia tại hội thảo khuyến nghị, Chính phủ cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi dựa trên miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức độ, ngành, lĩnh vực bị tác động, cả tích cực và tiêu cực, đối tượng, mức độ, quy mô bị tác động. Cùng với đó, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất để thu hút đầu tư FDI mới, mở rộng đầu tư.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Lê Hương