• 1075 lượt xem
  • 15:50 14/05/2022
  • Kinh tế

Việt Nam đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế biển xanh

Chiều 13/5, tại Hà Nội, Hội nghị quốc tế kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu đã bế mạc và đưa ra tuyên bố của các đồng chủ tịch, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có những nỗ lực và hành động khẩn cấp để ứng phó với các thách thức mà biến đổi khí hậu gây ra, xử lý các vấn đề ô nhiễm đại dương, nhằm hướng tới một hành tinh phát triển xanh và bền vững.

Trong 2 ngày làm việc, hội nghị đã tập trung thảo luận 5 vấn đề chính bao gồm: Phục hồi Kinh tế Biển xanh hậu Covid-19 và hướng tới nền Kinh tế Đại dương Xanh và Bền Vững; Quy hoạch Không gian Biển và Xây dựng các Thành phố Ven biển và Hạ tầng có khả năng Chống chịu với Biến đổi Khí hậu; Chống Ô nhiễm Biển và Rác thải nhựa Đại dương: Thách thức chính của thế kỷ 21; An ninh Khí hậu, Giới và Khả năng chống chịu của các Cộng đồng Dễ bị Tổn thương; và Tài chính cho Khí hậu và các Đại dương.

Đứng trước những thách thức chưa từng có mà biến đổi khí hậu gây ra, các đại biểu hối thúc các chính phủ cần phải hành động để giải quyết các rủi ro an ninh liên quan đến khí hậu, tăng cường sự chống chịu của các thành phố ven biển, bảo vệ đại dương và chống ô nhiễm biển bao gồm ô nhiễm nhựa. 

Ông LÊ NGỌC TUẤN, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường: “Nền kinh tế biển xanh bền vững phụ thuộc vào việc phát huy toàn bộ tiềm năng kinh tế của các đại dương theo phương pháp quản lý tổng hợp, đồng thời bảo vệ và bảo tồn tài nguyên đại dương cho các thế hệ tương lai. Thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự lãnh đạo hiệu quả và các nỗ lực tổng hợp và phối hợp ở tất cả các cấp, với sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là đảm bảo sự tham gia đầy đủ, có ý nghĩa và bình đẳng của phụ nữ, thanh niên, khu vực tư nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng khoa học và giới học thuật.”

Việc Việt Nam tổ chức hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu được giới chuyên gia nhận định góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; thể hiện là thành viên tích cực, đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển bền vững, đặc biệt trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường đại dương và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bà CAITLIN WIESEN. Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP): “Hội nghị về kinh tế biển xanh tại Hà Nội đã tạo ra một động lực rất lớn và tuyên bố của đồng chủ tọa đã phản ánh được vai trò lãnh đạo của Việt Nam và UNDP trong giải quyết các mối đe dọa, nguy cơ về ô nhiễm biển và biến đổi khí hậu. Các chính sách mà Việt Nam đưa ra đã góp phần rất lớn vào quá trình chuyển đổi xanh.” 

Các nội dung thảo luận tại Hội nghị sẽ làm tư liệu quan trọng cho các chương trình nghị sự trong năm 2022 và các năm sau đó của Liên hợp quốc, trong đó có Thập kỷ Khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021- 2030 của Liên hợp quốc.

Vân Hương