Việt Nam điểm báo: Việt Nam hưởng lợi từ dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu

Trên trang The Economic Times của Ấn Độ, tác giả Ashish Pandey đã có bài viết với tiêu đề “Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu: Trung Quốc thiệt, Ấn Độ và Việt Nam hưởng lợi”, với nội dung phân tích về việc nhiều nhà sản xuất lớn đã và đang dịch chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc để giảm sự phụ thuộc nước này, tìm đến các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam là địa điểm thay thế hấp dẫn.

Tác giả Ashish Pandey dẫn báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới với nhận định của các nhà kinh tế cho rằng những bất ổn về địa chính trị, sự bấp bênh của nền kinh tế đã làm bộc lộ ra nhiều lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là sự phụ thuộc vào một số ít các nhà cung cấp. Và để tránh rủi ro, phụ thuộc, nhiều quốc gia đã ráo riết thúc đẩy các chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc, tìm đến các địa điểm đầu tư khác để có sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Trong bối cảnh đó, các nhà kinh tế nhận định, các quốc gia được hưởng lợi từ sự dịch chuyển này là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan. Minh chứng là trong những năm qua, các quốc gia này đã thu hút được đáng kể nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chẳng hạn như năm 2021 đã ghi nhận FDI cao nhất vào Ấn Độ với 83,6 tỷ USD, tương tự, Việt Nam thu hút hơn 31,15 tỷ USD vốn FDI tăng 9% so với năm trước đó. Hay như việc những năm qua, để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, tập đoàn công nghệ Apple của Mỹ đã lắp ráp các sản phẩm ở cả Ấn Độ và Việt Nam cũng như tìm cách mở rộng sự hiện diện ở quốc gia này.

Ngoài ra, báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới cũng cho rằng những năm qua Việt Nam là quốc gia tương đối thành công trong việc thu hút các tên tuổi lớn như Samsung, Google, Nike và Adidas. Tác giả Ashish Pandey cũng trích báo cáo mới đây từ Ngân hàng DBS của Singapore cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là nước được hưởng lợi chính trong việc tái định vị đầu tư hoặc hợp tác sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài nhờ các lợi thế chi phí cạnh tranh của lực lượng lao động, các hiệp định thương mại tự do (FTA) và triển vọng tăng trưởng trung hạn tươi sáng ở mức 6% -7%/năm. Một lợi thế khác nữa là Việt Nam có hệ sinh thái ngành điện tử đang ngày càng hoàn thiện”.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!