Vì sao liên tiếp xảy ra động đất tại Tây Nguyên?

Theo thống kê từ Viện Vật lý địa cầu, từ tháng 4/2021 đến nay, chỉ trong 1 năm, tại Kon Plông ghi nhận gần 170 trận động đất có độ lớn từ 2,5 độ richter trở lên. Con số này gấp 5 lần số trận động đất xảy ra tại đây trong vòng hơn 100 năm trước đó.

Dù chưa gây ảnh hưởng nhiều, nhưng động đất sẽ vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới, không loại trừ khả năng có thể làm hư hại đến các công trình xây dựng, gây mất an toàn cho người dân, nhất là hiện tỉnh Kon Tum đang có nhiều hồ chứa, công trình xung yếu. 

Liên quan đến nguyên nhân của hiện tượng động đất liên tục xảy ra tại khu vực Tây Nguyên gần đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, có rất nhiều yếu tố và khả năng liên quan đến các hồ chứa, cả thuỷ lợi và thuỷ điện. Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Bộ đã có công văn chỉ đạo các hồ chứa thuỷ điện rà soát, đảm bảo tuyệt đối an toàn, khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong năm 2021; theo dõi 24/24h, tuân thủ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn địa phương.

Ông NGUYỄN SINH NHẬT TÂN – Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Trên thực tế hiện nay, Viện Vật lý địa cầu đang nghiên cứu việc này. Bộ Công Thương sẵn sàng  tham gia phối hợp chặt chẽ để xác định nguyên nhân cũng như tính toán việc tích nước hay xả nước để chúng ta đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với các hồ đập cũng như đối với người dân.”

Công tác vận hành các hồ chứa thủy điện và việc đảm bảo an toàn hồ đập là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện một số nội dung quy định trong quy trình vận hành liên hồ chứa rất khó triển khai thực hiện. Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình vận hành liên hồ chứa cho phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế.

Tiến Cường