Vì sao giáo viên không muốn làm lãnh đạo quản lý giáo dục?

Sáng 8/8 , tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình việc thực hiện quy định của Pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đại biểu cho rằng cần có giải pháp khắc phục tình trạng giáo viên không muốn làm lãnh đạo quản lý giáo dục.

Dẫn chứng câu chuyện nhiều hiệu trưởng, hiệu phó không muốn lên làm cán bộ quản lý tại các phòng giáo dục hoặc sở giáo dục, lý do được cho là tuy có cùng tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhưng giáo viên thì được hưởng thâm niên công tác, còn cán bộ quản lý thì không, các thành viên Uỷ ban Pháp luật đề nghị cần có giải pháp khắc phục tình trạng này.

Ông PHAN THÁI BÌNH - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Một đồng chí ở sở giáo dục, phòng giáo dục về làm hiệu trưởng thì xung phong đi ngay, mà đồng chí hiệu trưởng về làm phòng giáo dục là không muốn về. Cho nên xảy ra một hiện tượng nhiều tỉnh tôi biết là có là biệt phái. Biệt phái thì không quá 3 năm, biệt phái thì giữ được chế độ chính sách. Đây là một bất cập, tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu tại sao có bất cập này mà điều kiện tiêu chuẩn là như nhau.”

Thừa nhận thực trạng này, Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng trên thực tế việc luân chuyển này có ảnh hưởng đến thu nhập của giáo viên khi được hưởng thâm niên, phụ cấp đứng lớp, điều này khó thu hút được cán bộ quản lý giáo dục có năng lực.

Ông NGUYỄN KIM SƠN - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạọ: “Công chức thì theo các quy định quản lý chung hiện tại chưa thể có quy định riêng, đây là một vướng. Chúng tôi làm việc Bộ Nội vụ và các ngành nhưng các quy định của công chức mà điều chỉnh riêng cho ngành Giáo dục thì thật sự cũng khó, mặc dù chúng tôi thấy đây là việc cần phải điều chỉnh.”

Một trong những điều kiện, tiêu chuẩn khác liên quan đến giáo viên cũng đang được cho là bất hợp lý. Đó là tiêu chuẩn đạo đức giáo viên phân theo hạng. Theo các đại biểu, mọi giáo viên ở bất kỳ hạng nào, có thâm niên nhiều hay ít, ở bất cứ cơ sở giáo dục nào thì cũng phải bảo đảm có chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp.

Ông LÊ XUÂN THÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà: “Giáo viên hạng hai, hạng ba trong đó có phân loại về tiêu chí của đạo đức giáo viên, tôi xin hỏi là cơ sở nào để Bộ trưởng quy định đạo đức theo hạng như vậy? Hạng 1 khác hạng 2, hạng 2 khác hạng 3, thế đạo đức nhà giáo theo hạng hay như thế nào? Tại sao Thông tư lại quy định như vậy?”

Ông NGUYỄN KIM SƠN - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Người trách nhiệm càng lớn thì trách nhiệm càng cao, tính gương mẫu và phẩm chất cao lên, có ý như vậy thôi. Tuy nhiên khi ban hành thì có ý kiến, việc này bộ giáo dục đã tiếp thu khi sửa đổi thông tư 01 đến 04, điều này đã điều chỉnh.”

Phát biểu tại phiên giải trình Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị các Bộ ngành cần tăng cường rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bảo đảm việc xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đề nghị Bộ Nội vụ sớm tham mưu cho chính phủ sửa đổi các nghị định, văn bản có liên quan , nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện quy định pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiễm viên chức, cũng như quản lý viên chức theo mã số chức danh nghề nghiệp.
 

Thùy Linh