Vì sao Chương trình mục tiêu quốc gia chưa hoàn thành phân bổ vốn?

Do còn nhiều tồn tại, vướng mắc trong phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt được mục tiêu đề ra, đặc biệt có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, gây lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan đặt vấn đề riêng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng nguồn vốn là trên 137 nghìn tỷ đồng nhưng đến nay, hơn 16 nghìn tỷ đồng chuyển nguồn dành cho cả 3 chương trình mục tiêu vẫn chưa được phân bổ là chưa đáp ứng được kỳ vọng của Quốc hội và người dân khu vực được hưởng chính sách.

Bà ĐINH THỊ PHƯƠNG LAN, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội:Riêng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với 16 nghìn tỷ chuyển từ năm 2021 đến nay mà vẫn chưa phân bổ được thì tôi cho rằng phải có nhìn nhận nghiêm túc về trách nhiệm trong việc thực hiện. Tôi đề nghị có giải trình thêm”.

Ông TRẦN QUỐC PHƯƠNG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:Các văn bản quyết định về các tiêu chí nguyên tắc hay là xác định các danh mục, các địa phương được hưởng chương trình đến đầu năm 2022 mới phê duyệt xong. Trên cơ sở năm 2021, sau hai chương trình tiếp nối lúc đó mới thực hiện tổng kết đánh giá để có thể xây dựng chương trình mới. Sau khi hoàn tất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng phương án phân bổ tạm thời 3 nội dung”. 

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cũng cho biết, trên cơ sở quyết định số 2 ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, bộ đã có văn bản xây dựng phương án phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021-2025. Hiện đã có tờ trình trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến xem xét, phê duyệt phương án.

Ông NGUYỄN BÁ HOAN, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: “Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có tờ trình trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) để đề nghị phê duyệt phương án phân bổ vốn đầu tư. Sau khi được UBTVQH phê duyệt kế hoạch vốn trung hạn,Thủ tướng giao vốn cho các bộ, ngành và các địa phương thì bộ cũng sẽ tiến hành phân bổ vốn”.

Ông NGUYỄN HỮU TOÀN, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Thực tế Chính phủ vừa trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng không kịp đưa vào phiên họp của UBTVQH vừa rồi. Qua tờ trình chúng tôi xem xét sơ bộ, nếu đạt được yêu cầu chúng ta phải làm sao điều hòa được 102.000 tỷ đưa vào trong năm 2022. Nhưng đến thời điểm này trình đợt một cũng chỉ cỡ khoảng 18.000 tỷ thôi, tức là còn lại một lượng rất lớn cho nên cần phải tính toán. Có kế hoạch điều hòa thì mới có kế hoạch huy động. Bộ Tài chính cũng rất quan tâm đến việc này để đảm bảo việc huy động và sử dụng vốn hiệu quả”.

Các đại biểu đề nghị các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan cần khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, bám sát và đồng hành cùng các địa phương tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình, bảo đảm có những kết quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đồng bào.

Thanh Nga