• 1021 lượt xem
  • 04:42 15/08/2022
  • Kinh tế

Vì sao cần sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền?

Luật Phòng chống rửa tiền được Quốc hội khoá 13 thông qua vào cuối năm 2012. Đến nay, sau gần 10 năm được thực thi, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng tồn tại những bất cập. Số vụ việc rửa tiền bị đem ra xét xử chỉ mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, một phần do hành vi rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp.

Với tính chất cấp bách, dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 tới đây, theo quy trình 1 kỳ họp. 

Cách đây gần 4 năm, tại Phú Thọ, một “phiên toà lịch sử” đã được đưa ra xét xử tổng cộng 92 bị cáo với 6 nhóm tội danh. Khi đó, hai bị can Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương hầu toà về tội “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền”. Kết quả điều tra cho thấy, các bị cáo đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức đường dây đánh bạc qua mạng Internet, thu lời bất chính hàng ngàn tỉ đồng và “rửa” số tiền bẩn này qua đầu tư bất động sản, dự án BOT…Trong 10 năm thực thi Luật Phòng chống rửa tiền, đây là lần hiếm hoi tội danh rửa tiền được đưa ra xét xử. 

Ông PHẠM XUÂN HOÈ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN: “Có thể có những đồng tiền chuyển đổi giữa các đồng tiền của các quốc gia bằng đồng tiền kỹ thuật số, đồng tiền điện tử. Chỉ cần các bên thoả thuận sẽ thông qua một đồng tiền điện tử để chuyển đổi thì ấn nút 1 cái ở Việt Nam qua máy tính cũng có thể thanh toán sang Nhật Bản, Mỹ, Úc một lượng tiền rất lớn. Như vậy, Luật Phòng chống rửa tiền trước kia chưa thể đáp ứng tất cả câu chuyện này”.

Ông TRƯƠNG VĂN PHƯỚC, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: “Thực thế cũng chưa thấy vụ rửa tiền nào lớn, nhưng các giao dịch đáng ngờ được các tổ chức tín dụng họ báo cáo rất kịp thời cho Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước.”

Chỉ từ năm ngoái tới nay, hàng loạt đường dây đánh bạc trực tuyến bị triệt phá. Hầu hết các đường dây đánh bạc này đều có liên quan tới tiền ảo và có dấu hiệu rửa tiền. Điển hình là đường dây đánh bạc qua hệ thống Evol (evol.club) với số tiền khoảng 30.000 tỉ đồng; đường dây tổ chức đánh bạc qua trang Nagaclubs.com với số tiền khoảng 87.000 tỉ đồng. Không chỉ đánh bạc, hoạt động mua bán tiền ảo, tài sản ảo đang diễn ra hết sức sôi động. Thế nhưng, tiền ảo, tài sản ảo vẫn “lọt lưới” do Luật Phòng chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Ông PHẠM TIẾN DŨNG - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Ở bản dự thảo đầu tiên, chúng tôi có đưa tài sản ảo và đơn vị cung ứng tài sản ảo vào cái này. Nhưng khi đưa ra, các thành viên chính phủ thì đều nói rằng, chúng ta đưa vào thì có hai vấn đề: một là luật nguồn quy định về tài sản ảo là chưa có, pháp luật Việt Nam thì chưa công nhận. Mặc dù có giao dịch, chúng ta không bắt bớ cũng không ngăn cấm, chúng ta chỉ ngăn cấm tài sản ảo làm phương tiện thanh toán và làm tiền tệ. Nhưng bây giờ chưa có một cơ quan nào đứng ra để nói câu chuyện ngăn cấm việc giao dịch tiền ảo. Và thực tế, các cá nhân ở Việt Nam đang sử dụng và giao dịch tiền ảo”.

Theo đánh giá của Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính Quốc tế (FATF) về công tác phòng chống rửa tiền ở Việt Nam, hiện nay, Việt Nam mới đáp ứng được 1 phần - 27/40 khuyến nghị của tổ chức này. 

Ông DƯƠNG QUỐC ANH, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Khóa XIV): “Những năm gần đây, Đảng đã đưa ra chống rửa tiền, bởi vì chống rửa tiền gắn với thị trường tài chính trong nước. Thứ hai, chúng ta phải luật hóa các khuyến nghị của FATF, và họ đã thay đổi 10 lần rồi, chúng ta bắt buộc phải sửa, mà sửa luật chỉ là một trong những hoạt động mà chúng ta đáp ứng được các yêu cầu của FATF…”.

Theo Báo cáo đánh giá rủi ro quốc gia của Việt Nam về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2012-2017, nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm nguồn của tội rửa tiền, được đánh giá có nguy cơ rửa tiền ở mức "trung bình cao" đến mức "cao". Do vậy, việc hoàn thiện quy định về phòng, chống rửa tiền nói chung, xây dựng Luật Phòng, chống rửa tiền sửa đổi nói riêng là một trong những yếu tố then chốt nhằm phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tham nhũng. 

Theo dự kiến, chương trình phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2022 diễn ra vào ngày mai (15/8), UBTVQH sẽ xem xét cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền. 

Thùy Trang