Khinh khí cầu do thám khiến quan hệ Mỹ - Trung rạn nứt

Vụ Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc được đánh giá là "một cái kết kịch tích cho một chương nữa trong những căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước".  Trước đó, sự việc khiến 2 nước liên tục lời qua tiếng lại. Mỹ cáo buộc khí cầu của Trung Quốc là thiết bị do thám và dường như đang giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm.

MỸ BẮN HẠ KHÍ CẦU CỦA TRUNG QUỐC

Khoảnh khắc được camera từ dưới đất ghi lại cho thấy, khí cầu của Trung Quốc nhanh chóng vỡ tung và rơi xuống khi trúng tên lửa phóng ra từ tiêm kích F22. Khí cầu bị bắn rơi cách bờ biển chỉ khoảng 6 hải lý, trên vùng nước tương đối nông. Điều này giúp ích cho nhà chức trách Mỹ trong việc thu hồi các mảnh vỡ để điều tra.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức ra tuyên bố lên án động thái từ phía Mỹ. Bắc Kinh gọi phản ứng của Washington là "thái quá và vi phạm thông lệ quốc tế". Đồng thời để ngỏ khả năng "đưa ra thêm các phản ứng cần thiết".

VẾT RẠN TRONG QUAN HỆ MỸ - TRUNG

Vụ Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc được đánh giá là "một cái kết kịch tích cho một chương nữa trong những căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước".  Trước đó, sự việc khiến 2 nước liên tục lời qua tiếng lại. Mỹ cáo buộc khí cầu của Trung Quốc là thiết bị do thám và dường như đang giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm. Trung Quốc thừa nhận khinh khí cầu là của mình nhưng nói đây chỉ là thiết bị dân sự và gió mạnh đã đẩy nó vào không phận Mỹ. Tuy vậy, Washington khẳng định khí cầu đã vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế. Giới chuyên gia cũng đồng tình rằng, sự việc đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.

Ông LYLE MORRIS, Nhà nghiên cứu, Trung tâm phân tích Trung Quốc, Viện chính sách xã hội châu Á: "Tôi nghĩ từ góc độ công chúng và quan điểm của dư luận, vụ khí cầu của Trung Quốc đã gây tổn hại to lớn tới quan hệ song phương bởi nó cho thấy mức độ của chương trình gián điệp của Trung Quốc, và những gì họ sẵn sàng làm để thu thập thông tin tình báo trên đất Mỹ."

Một số nhà quan sát khác cho rằng, chính quyền của ông Biden sẽ "kiểm tra phản ứng của Bắc Kinh" trong nỗ lực đánh giá về ý định đằng sau vụ khí cầu xuất hiện trên không phận Mỹ. Điều này sẽ sớm được thực hiện khi Mỹ thu hồi các mảnh vỡ và tìm hiểu công nghệ trên khí cầu. Trong khi đó với Trung Quốc, thông tin tình báo quý giá hơn không phải đến từ khí cầu, bởi vệ tinh có thể làm điều này tốt hơn, mà ở những phản ứng của Mỹ từ sự việc này.

Ông PATRICK CRONIN, Viện Hudson, Mỹ: "Tôi nghĩ thông tin tình báo thu được lớn hơn là ở phản hồi của Mỹ. Khi nào Mỹ phát hiện một sự cố như vậy, khi nào Mỹ bắt đầu hành động và sẽ làm gì? Chúng ta đang nói đến hoạt động tình báo có thể hữu ích trong thời chiến, và đây là phép thử về thời gian đối phương đưa ra phản ứng. Chúng ta đã thấy Trung Quốc sử dụng loại khí cầu này những năm gần đây ở Đài Loan, gần Nhật Bản, gần Hàn Quốc. Nó không phải là điều bất thường."

Tuy vậy theo các nhà phân tích, sự cố khinh khí cầu ít nhất đã cho Mỹ và Trung Quốc cơ hội để đưa ra các quy tắc trong không gian, nơi quân đội hai nước sẽ hoạt động ngày càng gần nhau.