• 2616 lượt xem
  • 20:43 26/01/2023
  • Văn hóa

Về làng Thái Hải tìm bản sắc văn hóa Tày những ngày đầu xuân

Mới đây, Tổ chức du lịch thế giới đã công bố danh sách 32 làng du lịch tốt nhất thế giới, trong đó Việt Nam cũng vinh dự góp mặt một đại diện duy nhất đó chính là Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải ở thành phố Thái Nguyên.

Mục đích thành lập ban đầu của làng Thái Hải không phải để khai thác du lịch mà là để có thể bảo tồn văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày. Tuy nhiên, tiếng lành đồn xa những du khách đã tìm về với bản làng để trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống. 

Giữa nhịp sống hiện đại khi những giá trị truyền thống đang dần mai một thì việc phục dựng lại những không gian văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc là một trong những cách hiệu quả để bảo tồn và lưu giữ lại một phần giá trị cốt lõi của cha ông. Và trong những ngày đầu năm mới, tạm rời xa không gian đô thị ồn ào, mời quý vị cùng Thanh Huyền trải nghiệm không khí ngày Tết tại Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, nơi còn được gọi bằng nhiều cái tên thân thương và mộc mạc khác như Bản làng Thái Hải, hay Gia đình Thái Hải. Bên cạnh việc đón khách du lịch, đây còn là nơi gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà sàn dân tộc và truyền thống văn hóa của dân tộc Tày vùng ATK cách mạng, một quần thể những ngôi nhà dân tộc có tuổi đời ngót nghét trăm năm.

Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải nằm ở xóm Cường, xã Thịnh Đức, Thành phố Thái Nguyên là thành quả tâm huyết của những người con Thái Nguyên với việc bảo tồn những giá trị dân tộc Tày truyền thống vùng ATK Định Hóa, và góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, phát triển bền vững. Không chỉ đơn giản là những ngôi nhà sàn, mà ở đó là hồn cốt, là sức sống văn hóa dân tộc được bảo tồn, lưu giữ trong một không gian yên tĩnh, đậm chất bản làng truyền thống.

Theo truyền thống của người Tày khi khách đến đầu làng thì phải rẽ vào giếng làng, xung quanh có xếp đá cuội, nước trong vắt để rửa mặt, rửa tay cho sạch sẽ, mát mẻ trước khi vào làng.

Một thủ tục nữa là mỗi khi có khách đến thăm thì chủ nhà phải gõ vào chiếc mõ treo ở đầu làng một hồi thật vang vọng để báo cho mọi người trong làng biết có khách đến thăm.

Vào đầu những năm 2000, đồng bào Tày ở nhiều nơi có xu hướng thay thế nhà sàn truyền thống bằng nhà xây hiện đại. Nhiều nhà sàn được thu mua về xuôi để phục vụ cho các hoạt động thương mại. Số khác bị phá bỏ làm củi đốt. Vùng đất cách mạng An toàn Khu Định Hóa, nơi hình ảnh của những ngôi nhà sàn dân tộc Tày từ lâu đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ, cũng nằm trong thực trạng đó.

Tha thiết với văn hóa quê hương, với những tháng năm tuổi thơ đầy kỉ niệm, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, một người con dân tộc Tày đã có ý tưởng và tâm huyết giữ gìn lại những ngôi nhà sàn truyền thống của vùng đất quê hương. Từ năm 2003, bà đã chắt chiu tài sản cá nhân mình, mua lại những ngôi nhà đó và phục dựng nguyên bản để gìn giữ và bảo tồn.

Ý tưởng tâm huyết là không chỉ giữ lại “phần xác”, mà quan trọng là phải giữ lại “phần hồn” của những ngôi nhà sàn đó. Tức là phải thổi vào đó sức sống và hồn cốt của bản làng dân tộc bằng một cuộc sống thực sự bên trong và xung quanh những ngôi nhà. Ở đó mọi hoạt động sinh hoạt và lao động diễn ra bình thường như một làng bản thu nhỏ, khôi phục và lưu giữ lại những giá trị văn hóa bao đời của ông cha.

Mới đây Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam được tổ chức Du lịch Thế giới công bố nằm trong danh sách 32 làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022. Giữa nhịp sống hiện đại, khi mà những giá trị văn hóa dân tộc đang dần mai một thì bản làng Thái Hải đã trở thành địa điểm ý nghĩa không chỉ cho khách tham quan mà còn cho thế hệ trẻ khi được tìm về với bản sắc dân tộc.

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam