Về Bình Định thăm làng nón ngựa trăm tuổi

Mảnh đất võ Bình Định có truyền thống lịch sử lâu năm và bề dày văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó không thể không kể đến Làng nghề nón ngựa Phú Gia tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định với hơn 300 năm lịch sử. Nón ngựa Phú Gia biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ gắn liền với đội quân Tây Sơn thần tốc.

Theo những nghệ nhân trong làng, ngày xưa, những chiếc nón này chủ yếu để phục vụ cho vua, quan đội khi ngồi trên lưng ngựa. Nón ngựa được làm từ 3 nguyên liệu chủ yếu: cây giang, lá kè và rễ dứa. Có 3 công đoạn chính để tạo ra nón ngựa gồm làm mê sườn, đan sườn mê và chằm nón.

Nón ngựa Phú Gia có các mức giá khác nhau. Chiếc nón làm theo nguyên mẫu truyền thống có giá từ 300.000 – 500.000 đồng/chiếc. Đối với loại nón ngựa làm bắt mắt hơn, trên đỉnh nón được gắn chụp bạc hoặc đồi mồi có chạm trổ long, lân, quy, phụng thì khoảng 2,5 triệu đồng. Mỗi chiếc nón ngựa đạt chuẩn sẽ có độ bền sử dụng 150 đến 200 năm. Và để hoàn thành một chiếc nón tương đối phải mất cả tháng, giá trị chiếc nón cao nên sức tiêu thụ chậm. Với nhiều người trong làng, việc nối dài sự sống nghề của cha ông có một phần trách nhiệm của mình dù thu nhập không là bao

Hiện làng nghề có khoảng 100 hộ tham gia sản xuất nón ngựa. Để khôi phục và gìn giữ làng nghề, thời gian qua, UBND huyện Phù Cát cũng đã triển khai nhiều giải pháp

Hiện làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Bảo Lâm