Vấn đề Ukraine: Sẵn sàng thoả hiệp dù cứng rắn

Trong bối cảnh các nước phương Tây đang dồn sự chú ý vào những diễn biến xung quanh vấn đề Ukraine và mối quan hệ với Nga, thì các nỗ lực ngoại giao đang được gấp rút thực hiện và những giải pháp tiềm năng có lẽ đang bắt đầu hình thành. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là chuyến thăm của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Mỹ và chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến công du Mỹ lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây xoay quanh vấn đề Ukraine đang bước vào những giai đoạn có thể nói là mang tính chất quyết định.

Thủ tướng Đức OLAF SCHOLZ: "Điều quan trọng là tất cả các đồng minh Mỹ và Đức, quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu, NATO, hãy thể hiện sự thống nhất và có tiếng nói chung và cùng hành động. Chúng tôi đã nói rõ rằng nếu có hành động xâm lược quân sự chống lại Ukraine sẽ có các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và rộng rãi được tất cả các bên nhất trí. Nga sẽ phải trả một cái giá rất cao nếu thực hiện hành động này".

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra những tuyên bố cứng rắn. Theo đó, tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ bị đình lại nếu Nga can thiệp quân sự ở Ukraine. 

Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của chúng tôi là cách tiếp cận thống nhất nhằm ngăn chặn các mối đe dọa của Nga đối với Ukraine và các nguyên tắc lâu đời của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ… Nếu Nga can thiệp quân sự ở Ukraine, điều đó có nghĩa là xe tăng hoặc quân đội vượt qua biên giới Ukraine, thì sẽ không còn Dòng chảy phương Bắc 2. Chúng tôi sẽ đặt dấu chấm hết cho dự án này.”

Mặc dù đưa ra các tuyên bố mạnh mẽ, nhưng hai nhà lãnh đạo Mỹ và Đức vẫn khẳng định sẵn sàng tiếp tục đàm phán an ninh với Nga để giảm leo thang căng thẳng.

Cũng nằm trong các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Sau cuộc thảo luận kéo dài 5 giờ đồng hồ, Tổng thống Putin tuyên bố sẵn sàng thỏa hiệp và cân nhắc các đề xuất của Tổng thống Macron nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng xung quanh vấn đề Ukraine.

Tổng thống Nga VLADIMIR PUTIN: "Trong cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp, ông ấy đã đặt ra nhiều câu hỏi và đề xuất giải quyết vấn đề. Tôi nghĩ đó là một sứ mệnh cao cả. Và tôi rất biết ơn vì tất cả những nỗ lực của ông ấy. Vì vậy, về phía Nga, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tìm ra một thỏa hiệp phù hợp với tất cả các bên."

Về phần mình, Tổng thống Macron đưa ra các đề xuất bao gồm cam kết của cả 2 bên không triển khai thêm bất kỳ sáng kiến quân sự mới nào có thể làm gia tăng căng thẳng, cũng như bắt đầu đối thoại về Ukraine hay thậm chí là đối thoại chiến lược.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: "Ưu tiên của tôi, rất rõ ràng đó là đảm bảo sự ổn định quân sự trong ngắn hạn, không có khiêu khích hoặc leo thang. Đó là lý do chính cho chuyến thăm của tôi tới Nga và Ukraine. Dựa trên điều này, tôi muốn cuộc đối thoại được tiến hành với tất cả các bên liên quan, NATO, Mỹ, Châu Âu, để tiếp tục xây dựng các giải pháp cho ngắn hạn và dài hạn. Với mục tiêu đảm bảo sự an toàn của tất cả mọi người. "

Trong những năm qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn duy trì quan điểm rằng các nước châu Âu nên tiếp tục các kênh đối thoại mở với Nga và khẳng định "đối thoại có điều kiện" sẽ chỉ dẫn tới một cuộc đối đầu với Mát-cơ-va trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như hiện nay.