Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Chiều 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn. Mức giảm tối đa theo đề xuất của Chính phủ. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12 /2022 như sau:

Xăng: Giảm 2.000 đồng/lít, 
Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: Giảm 1.000 đồng/lít
Mỡ nhờn: Giảm 1.000 đồng/kg
Dầu hỏa: Giảm 700 đồng/lít
Nhiên liệu bay: Giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nếu tính giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ ngày 01/4 đến hết năm 2022, thì số giảm thu NSNN sẽ khoảng hơn 23.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giá dầu thô thế giới và giá xăng dầu trong nước liên tục tăng trong thời gian qua và dự báo có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới sẽ có tác động làm tăng thu NSNN, đặc biệt là nguồn thu từ dầu thô. Qua đó, sẽ bù đắp số giảm thu do việc giảm mức thuế BVMT theo phương án này.

Thảo luận về nội dung này, một số thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc điều chỉnh thuế là cần thiết trong bối cảnh hiện nay và phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Về bản chất, có thể dùng các sắc thuế khác để giảm giá xăng dầu nhưng các sắc thuế khác phải trình ra Quốc hội, không đáp ứng được tính kịp thời; do đó, việc trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội để Nghị quyết có hiệu lực ngay đáp ứng được tính cấp bách hiện nay.

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội: “Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng,  xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và đặt câu hỏi về tính hợp lý của việc chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; xem xét bỏ mặt hàng xăng dầu ra khỏi mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu loại ra khỏi mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, mặt hàng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt còn được giảm thuế VAT.”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất giảm thuế, từ đó giảm giá xăng để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Đề xuất này chắc chắn tác động làm giảm thu ngân sách nhưng trên hết là tinh thần chia sẻ với khó khăn của người dân và doanh nghiệp. Về lâu dài, ngoài việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu bằng tiền, Chính phủ cần nghiên cứu khả năng bổ sung các công cụ khác, để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Vẫn còn có những băn khoăn về việc tới đây giá xăng dầu tiếp tục có những biến động. Nếu tăng nữa thì còn phải dùng công cụ khác nữa như hỗ trợ có mục tiêu từ Quỹ an sinh xã hội, ngân sách nhà nước cho các lĩnh vực vận tải, đánh bắt xa bờ, hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp.”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, giá xăng dầu trong nước theo giá xăng dầu thế giới. Điều lo ngại là hiện tượng lạm phát tâm lý, xăng dầu tăng, các mặt hàng khác cũng tăng theo giá xăng dầu nhưng khi xăng dầu giảm thì các mặt hàng khác lại không giảm. 

Ông ĐỖ THẮNG HẢI, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Trong vấn đề điều hành xăng, dầu phải rất tổng thể và hài hòa rất nhiều lợi ích. Lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu. Ví dụ họ chỉ mong muốn là càng điều hành nhanh càng tốt, đặc biệt khi giá tăng thì họ sẽ có lợi. Nhưng ngược lại, nếu chúng ta điều hành sớm mà tăng sớm thì người dân đầu tiên là bị thiệt trong khi người ta đang rất khó khăn như vậy, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, doanh nghiệp sử dụng xăng, dầu làm đầu vào thì người ta cũng rất khó khăn và rõ ràng chúng ta tăng sớm lên thì CPI cả nước sẽ bị ảnh hưởng.” 

Kết thúc Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong điều kiện giảm tối đa theo đề xuất của Chính phủ. đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các quy định được quản lý, điều hành giá xăng, dầu, bám sát diễn biến giá thế giới nhưng có đủ các giải pháp để đảm bảo giá bán xăng, dầu hợp lý, phục vụ sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân, kiểm soát lạm phát; rà soát, điều chỉnh phù hợp với các khoản thuế, phí, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức chi phí, định mức hao hụt, định mức lợi nhuận. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia; sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng, dầu để bình ổn giá thị trường và các giải pháp khác về kinh tế và an sinh xã hội. Chú ý các giải pháp đảm bảo nguồn lực, cân đối ngân sách để tiếp tục thực hiện các mục tiêu liên quan đến môi trường và phát triển bền vững.

Anh Đức