Cho ý kiến về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), đa số các thành viên UBTVQH tán thành với dự thảo Luật về việc giữ hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành, trong đó tiếp tục duy trì thanh tra huyện vì đây là cơ quan quan trọng, cần thiết phải tăng cường nhân sự cho thanh tra cấp này.
Các thành viên UBTVQH cho rằng thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ được giao trong các luật khác. Do đó, việc giữ thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là cần thiết, tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần phải có giải pháp đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động Thanh tra huyện.
Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội: “Cơ quan thanh tra cấp huyện rất quan trọng, vì thanh tra cấp huyện là bao gồm luôn cấp xã, xử lý khiếu nại tố cáo từ đầu nên công việc rất nhiều. Ở địa phương còn nhờ thanh tra cấp huyện để xử lý ban đầu, đồng tình rất cao việc này”
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Thanh tra cấp huyện nên được duy trì, củng cố, cả về tổ chức, biên chế, chế độ đào tạo và chính sách. Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ thanh tra để giúp cho cấp ủy chính quyền anh em còn tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng tiêu cực, phạm vi tiêu cực tới đây sẽ rất nhiều vấn đề.”
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, hiện nay xây dựng là lĩnh vực quan trọng ở các địa phương nhưng chỉ có thanh tra cấp sở, còn cấp huyện thì lại không được giao chức năng, nhiệm vụ này.
Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Xây dựng là mảng quan trọng, đang nằm trên cấp tỉnh, ở cấp huyện, thanh tra huyện không được giao xử lý những vi phạm này. Liệu có khoảng trống chỗ này không? Có công trình xây dựng vi phạm lớn, khi phát hiện, thanh tra xây dựng nói là nhiệm vụ thành phố, trong khi thanh tra thành phố nói không được giao nhiệm vụ này. Khi khắc phục sự cố thì rất tốn kém cho xã hội….”
Về nhiệm vụ quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra, có ý kiến đề nghị bổ sung rõ trách nhiệm trước pháp luật về quyết định, kết luận thanh tra.
Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm VPQH: “Thanh tra khi tiến hành thanh tra, kết luận nếu như có những đoàn thanh tra cấp trên, hoặc kiểm tra khác phát hiện vi phạm đúng nội dung đã thanh tra thì trưởng đoàn và thành viên có trách nhiệm trước pháp luật về thanh tra của mình để ràng buộc việc phát hiện vi phạm nhưng lại không đưa ra nữa".
Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Ban soạn thảo, Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật.