Ủy ban Thường Quốc hội thông qua Pháp lệnh về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại toà án

Sáng 13/12, cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi), các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc sửa đổi pháp lệnh này nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, dân chủ trong trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.

Trình bày Tờ trình, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết: Dự thảo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên hướng đến mục đích giáo dục, giúp đỡ họ phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội và bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi của các em. Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định chỉ định Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Pháp lệnh để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Ủy ban Tư pháp đã tán thành cần tiếp tục kế thừa quy định tại Pháp lệnh 09 về chỉ định Luật sư trong trường hợp người chưa thành niên không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quá trình chuẩn bị và chất lượng của dự thảo Pháp lệnh. Liên quan đến phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự cần thiết phải hoãn phiên họp trong một số trường hợp như dự thảo Pháp lệnh đã nêu, tuy nhiên cần phải quy định chặt chẽ, rõ ràng số lần hoãn, điều kiện hoãn, không kéo dài vô thời hạn chuyện hoãn phiên họp. Riêng trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Thư ký khi phiên họp đã diễn ra thì bắt buộc phải hoãn phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Theo tôi trong mọi trường hợp nếu phải thay đổi thẩm phán, thư ký khi phiên họp đã xảy ra rồi thì phải hoãn ngay, tại vì trong thực tế chỉ có thẩm phán, thư ký là được giao thụ lý hồ sơ thôi, đọc kỹ toàn bộ hồ sơ của việc này. Nếu giữa phiên tòa mình chỉ định thẩm phán, thư ký khác không kịp nghiên cứu hồ sơ, tài liệu mà tiếp tục họp thì không biết liệu phán quyết có chính xác không, các đồng chí phải nghiên cứu thêm chỗ này. Nếu trường hợp có vắng thư ký hoặc thẩm phán từ đầu thì tôi chỉ định lại người khác, vẫn có quá trình chuẩn bị đầy đủ rồi thì chúng ta tiếp tục họp được. Tôi đề nghị nếu như trường hợp phải thay thẩm phán và thư ký thụ lý vụ án này thì nên phải có thủ tục hoãn ngay."

Ông NGUYỄN HÒA BÌNH, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao: "Về các điều kiện hoãn, ở đây thiết kế theo nguyên tắc chung là không được dây dưa kéo dài, nếu anh đáng bị xử thì anh phải bị xử chứ không khất lần, khất mòn. Thiết kế ở đây theo quy định của các tố tụng hình sự, dân sự, hành chính thì anh chỉ có quyền được hoãn 1, 2 lần thôi chứ không được hoãn vô biên, đã vắng, lần sau lại vắng nữa thì tòa vẫn cứ làm, có những trường hợp đối phó."

Liên quan đến quy định chỉ định luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên các ý kiến đề nghị Tòa án nhân dân tối cao và Thường trực Ủy ban Tư pháp cân nhắc mở rộng được phạm vi trợ giúp pháp lý để có thể bao hàm tốt hơn những đối tượng được bảo vệ theo quy định của pháp lệnh khi họ thuộc đối tượng được đề nghị xem xét biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: "Chúng tôi đề xuất sửa là “người bị đề nghị thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý”, chúng ta không cần thiết nói trực tiếp đến người chưa thành niên, người chưa thành niên là đương nhiên, còn đối tượng được trợ giúp pháp lý thì rộng hơn bao gồm cả các đối tượng yếu thế khác và sửa lại thành "người bị đề nghị thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý được đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý", tức là không chỉ bao hàm trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước, bởi vì còn những tổ chức khác cũng thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của Luật."

Bà NGUYỄN THỊ THANH, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: "Tôi đồng tình với quan điểm nên thiết kế theo hướng chỉ định luật sư đối với những người cần được trợ giúp pháp lý bao gồm cả những người chưa thành niên từ 16 đến dưới 18 tuổi."

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân (sửa đổi).