Ủy ban Kinh tế đề nghị cụ thể hóa trách nhiệm "đầu mối" của Hà Nội và TP.HCM cho các dự án đường vành đai

Trong sáng 6/6, Quốc hội nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của 2 Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là các dự án có vai trò liên kết Vùng, thúc đẩy đô thị hoá, có ý nghĩa rất lớn với phát triển kinh tế xã hội.

 Các dự án cũng đã được dự kiến đầu tư từ giai đoạn 2011-2020 nhưng do nhiều nguyên nhân, nhất là sự hạn chế về nguồn lực nên chưa có điều kiện triển khai. Đến thời điểm hiện nay, các cơ sở pháp lý, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cơ bản đáp ứng yêu cầu, do vậy việc triển khai các dự án này trong giai đoạn 2021-2025 là cần thiết. Việc đầu tư hoàn thành 2 dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với quy hoạch giao thông Quốc gia, giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu. 

Đối với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, có tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó sử dụng 56.403 tỷ đồng vốn đầu tư công và 29.410 tỷ đồng vốn BOT. Dự án đường vành đai 3 đi qua các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, có tổng mức đầu tư khoảng 75.378 tỷ đồng, là vốn đầu tư công,

Ông NGUYỄN CHÍ DŨNG - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội được thực hiện theo hình thức PPP, được chia làm 7 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và xây dựng. Phần xây dựng đường song hành được triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư theo hình thức đầu tư công, gồm 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và xây dựng”. 

Thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế nêu rõ, Dự án vành đai 3 – Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia theo quy định của Luật Đầu tư công, việc có cơ chế, chính sách đặc biệt phù hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án là cần thiết.

Trong khi đó, đối với dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành việc áp dụng trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công và áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án thành phần 3 đã được áp dụng cho các dự án thành phần của Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. 

Ông VŨ HỒNG THANH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh Tế của Quốc hội: Về ngân sách địa phương, theo quy định của pháp luật hiện hành khi quyết định chủ trương đầu tư phải quyết định tổng mức vốn và cơ cấu vốn. Đến nay các HĐND địa phương đã ban hành Nghị quyết cam kết bố trí vốn cho 2 dự án. Tuy nhiên để đảm bảo tiến độ, chất lượng cho các dự án, đề nghị các địa phương cam kết chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Chính Phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc bố trí nguồn ngân sách địa phương cho 2 dự án”.

Uỷ ban Kinh tế nghị cần cụ thể hóa trách nhiệm “đầu mối” của Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tại dự thảo Nghị quyết của các Dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể về vai trò này. Do các dự án thành phần sẽ giao các địa phương tổ chức thực hiện nên có thể dẫn đến mỗi cơ quan tổ chức một cách khác nhau, không bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất, vì vậy đề nghị giao cho một cơ quan có năng lực, kinh nghiệm thực hiện công tác thẩm định cho các dự án thành phần của 2 Dự án./.