USD tăng giá gây áp lực tới chính sách tiền tệ trong nước

Ngân hàng Nhà nước phải nới biên độ tỷ giá 5% đồng thời giữ mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục nâng lãi suất đồng USD.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (World Bank), nền kinh tế Việt Nam dù tăng trưởng mạnh nhưng cũng đối mặt với nhiều lực cản. Tài chính toàn cầu bị thắt chặt, ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại hối nhiều nước. Áp lực tỷ giá cùng yêu cầu kiểm soát lạm phát trong nước dẫn đến dòng vốn tín dụng trong nước cũng phải thắt chặt, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng lúc phải ổn định kinh tế vĩ mô, phải hỗ trợ “lãi suất thấp” cho sản xuất, kinh doanh-phục hồi kinh tế, phải đảm bảo an toàn cho hệ thống, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại – rõ ràng lá áp lực vô cùng với NHNN.

Trước áp lực từ nhiều phía, động thái nới biên độ tỷ giá 5% của NHNN là nhằm cân bằng cung cầu thị trường ngoại hối, tránh suy giảm dự trữ ngoại tệ; cũng là giảm áp lực lãi suất cho doanh nghiệp.

Các chuyên gia dự báo cuối năm 2022, nếu FED tiếp tục tăng lãi suất đồng USD, NHNN sẽ khó duy trì mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay, và phải tiếp tục tăng biên độ tỷ giá để giữ vững dự trữ ngoại tệ. Như vậy, bài toán tăng dòng vốn cho doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 lại càng khó.

Nguyễn Sơn