Tỷ lệ đàn ông Việt Nam bị đột quỵ cao hơn nữ 1,5 lần

Nghiên cứu tại 10 trung tâm điều trị đột quỵ trên cả nước cho thấy, độ tuổi đột quỵ trung bình ở người Việt là 65, trong đó tỷ lệ nam giới cao hơn 1,5 lần so với nữ.

Kết quả được PGS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, công bố tại Hội nghị Đột quỵ Quốc tế 2022 ngày 5/11. Đây là cuộc nghiên cứu về đột quỵ đa trung tâm lớn nhất Việt Nam, với số lượng bệnh nhân tham gia lớn nhất từ trước đến nay là 2.310.

Các chuyên gia thông tin, đột quỵ hiện nay đang là vấn đề nóng của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, với xu hướng bệnh nhân ngày càng trẻ.

Kết quả bước đầu cho thấy, độ tuổi đột quỵ trung bình của người dân Việt Nam là 65 tuổi. Trong đó, số bệnh nhân bị đột quỵ dưới 45 tuổi chiếm 7,2% trong nghiên cứu này.

Nghiên cứu cũng cho thấy, tỉ lệ nam giới Việt Nam gặp đột quỵ cao hơn 1,5 lần so với nữ. Tỉ lệ này khác hoàn toàn với nước ngoài, khi nữ giới bị đột quỵ nhiều hơn.

Các bệnh nhân bị đột quỵ do nhồi máu não chiếm 76%, tỉ lệ đột quỵ do chảy máu não là 24%. Ở nhóm đột quỵ dưới 45 tuổi, tỉ lệ đột quỵ do chảy máu não có xu hướng tăng, chiếm 46%. Tỉ lệ bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam được đưa đến bệnh viện trong 6 giờ đầu mới đạt 33%, so với nước ngoài tỉ lệ này còn rất thấp. Điều này ảnh hưởng đến việc điều trị cho bệnh nhân đột quỵ.

Kết quả của nghiên cứu này có giá trị lớn trong thực hành lâm sàng và tuyên truyền. Theo đó, người bệnh bị đột quỵ cần đến bệnh viện, các trung tâm đột quỵ sớm nhất có thể.

Theo thông tin từ Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm, thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi.