Tuyên bố cánh cửa NATO luôn rộng mở nhưng Mỹ cho rằng việc gia nhập của Ukraine nên vào thời điểm khác

Song song với việc gia tăng sức ép trên thực địa, Ukraine hôm nay cho biết đang thúc đẩy việc gia nhập liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong thời gian ngắn. Dù vậy, nhìn từ tình hình thực tế hiện nay, mong muốn của Kiev là điều xa vời.

Tổng thống Ukraine VOLODYMYR ZELENSKY: "Hôm nay, Ukraine đã đệ đơn gia nhập NATO với một thủ tục nhanh chóng để đẩy nhanh quá trình này. Chúng tôi biết rằng điều này là có thể."

Yêu cầu gia nhập NATO của Ukraine đã bị bỏ ngỏ trong nhiều năm. Đến nay, vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy yêu cầu của Ukraine sẽ trở thành hiện thực. Liệu cuộc xung đột với Nga có giúp Ukraine tiến gần hơn đến mục tiêu của mình, khi Tổng thống Ukraine toan tính sẽ sử dụng sức mạnh quân sự của NATO để giành lại các khu vực Nga vừa bị sáp nhập?

Thực tế là Ukraine mới bắt đầu trên con đường tới NATO. Ukraine đã giành nhiều chiến thắng trên thực địa trước Nga, với sự hỗ trợ vũ khí từ phía Mỹ và NATO. Ukraine đã chứng minh được khả năng tương thích của mình với các tiêu chuẩn của liên minh quân sự này.

Thế nhưng, vấn đề hiện nay không phải là khả năng của Ukraine trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO, mà nằm ở chỗ: Ukraine đang trong cuộc xung đột với Nga.

Ông JAKE SULLIVAN, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ: "Mỹ luôn thể hiện rõ quan điểm trong nhiều thập kỷ rằng chúng tôi ủng hộ chính sách mở cửa đối với NATO. Thế nhưng ngay bây giờ, quan điểm của chúng tôi là, cách tốt nhất để chúng tôi hỗ trợ Ukraine là thông qua hỗ trợ thực tế, và quá trình gia nhập tổ chức nên được thực hiện vào một thời điểm khác."

Ông JENS STOLTENBERG, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO): "Mọi nền dân chủ ở châu Âu đều có quyền đăng ký trở thành thành viên NATO và các đồng minh NATO tôn trọng quyền đó. Chúng tôi đã tuyên bố nhiều lần rằng cánh cửa của NATO vẫn luôn rộng mở."

Mỹ đã từ chối, còn người đứng đầu NATO lại tránh trực tiếp lên tiếng ủng hộ đơn xin gia nhập của Ukraine. Tất cả như một gáo nước lạnh dội vào những mong chờ của Tổng thống Ukraine Zelensky. Đơn giản, bởi Mỹ và NATO không muốn trở thành một bên đối đầu trực tiếp với Nga.

Điều 5 Hiệp ước NATO quy định, các thành viên trong liên minh đồng ý hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công vũ trang. Điều này đồng nghĩa rằng, nếu đồng ý cho Ukraine gia nhập, NATO sẽ phải “tham chiến” để bảo vệ thành viên của mình. Đây rõ ràng là điều không thể xảy ra, xét trên lợi ích của khối và từng thành viên.

Trong bối cảnh hiện nay, theo các nhà phân tích, tất cả những gì Ukraine có thể làm vẫn chỉ là nỗ lực giành chiến thắng trên thực địa. Thành công chiến trường sẽ là một nền tảng để ông Zelensky có thể yêu cầu nhiều sự hỗ trợ hơn từ phương Tây. Sau đó, mới tính đến việc gia nhập NATO.