Tục “Bắt vợ” - Bài trừ biến tướng và gìn giữ nét văn hóa độc đáo

Cũng tại Nhà Quốc hội, chiều nay (22/4), Uỷ ban Văn hoá giáo dục phối hợp với Hội đồng dân tộc tổ chức toạ đàm về việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đồng chủ trì hội nghị.

Khảo sát của Uỷ ban Văn hoá, giáo dục cho thấy,  ở một số nơi, đồng bào người Mông, Dao đã không còn duy trì tục “kéo vợ” để tiến tới hôn nhân nên có thể chấm dứt tập tục này để trai gái tự tìm hiểu và tiến đến hôn nhân như thông thường. Tuy nhiên, tại một số địa phương, nhất là ở Lào Cai, đa phần những người già và trung niên cho rằng, tục kéo vợ là phong tục tốt đẹp của người Mông, vừa là một phần trong nghi thức cưới hỏi của người Mông.

Tại toạ đàm,  các chuyên gia cho rằng, thực tế vẫn có các trường hợp nam nữ yêu nhau nhưng do gia đình, dòng họ mẫu thuẫn cản trở, nên họ phải thực hiện phong tục của dân tộc mình để tiến đến hôn nhân. Tuy nhiên, trên thực tế cũng có việc lợi dụng biến tướng của phong tục này.

Ông HOÀNG XUÂN LƯƠNG - nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc: “Lợi dụng phong tục để bắt các cô gái đẹp, rõ ràng việc này chúng ta phải phân loại và xem nếu có dấu hiệu cưỡng ép thì phải xử lý hình sự. Tôi rất mong Bộ Công an lựa chọn 3 đến 4 vụ vừa rồi, có dấu hiệu nặng thì dứt khoát phải xử lý làm gương.”

Về các giải pháp trong thời gian tới, đại diện Bộ Công an thống nhất với các ý kiến tại toạ đàm cho rằng cần xử lý nghiêm minh các vụ việc lợi dụng tục “bắt vợ” thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ông THÙNG VĂN NGHIỂM - Phó Cục trưởng Cục an ninh nội địa, Bộ Công an: “Xử lý bằng hình thức dân sự, hành chính tuỳ từng trường hợp cụ thể. Người dân kém hiểu biết thì tuyên truyền, hòa giải giữa hai bên, hai dòng họ. Trường hợp xác định có yếu tố vi phạm mà chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ xử lý hành chính.”

Đánh giá cao những ý kiến tham luận tại toạ đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để đồng bào hiểu đúng và đầy đủ về các giá trị truyền thống, nét đẹp văn hóa của tập tục “kéo vợ”, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ chính quyền cơ sở.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội:Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật về hôn nhân, gia đình. Xác định trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị để xảy ra tình trạng "kéo vợ” biến tướng. Mặc dù hiện tượng không nhiều nhưng gắn trách nhiệm thì sẽ tốt hơn nữa. Thực hiện hiệu quả các biện pháp ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các biến tướng của tục “bắt vợ”. Ban hành chế tài xử phạt đủ mạnh để hạn chế tình trạng vi phạm nếp sống văn minh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với cán bộ, đảng viên để gia đình, người thân vi phạm. Xác định trách nhiệm cho người đầu các đơn vị để xảy ra tình trạng “kéo vợ”. 

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hoá, vận động bài trừ biến tướng của tục “bắt vợ” cần triển khai tốt các chính sách phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số./.

Thùy Linh